Nhiều rủi ro khi giá đất Quảng Nam, Đà Nẵng tăng nóng
Người dân, nhà đầu tư lao vào cuộc đua săn đất
Dù chưa có thông báo chính thức từ cơ quan chức năng nhưng tin đồn về khả năng sáp nhập tỉnh thành nhanh chóng lan rộng, trở thành "chất xúc tác" khiến giá đất tăng vọt.
Giá đất tại các khu vực giáp ranh như Điện Bàn (Quảng Nam) hay Hòa Vang, Liên Chiểu (Đà Nẵng) liên tục bị đẩy lên cao, thu hút sự quan tâm của không chỉ nhà đầu tư mà cả người dân có nhu cầu mua đất để ở.
![]() |
Giá đất nền khu vực Điện Bàn, Quảng Nam trên các sàn giao dịch điện tử tăng từ 15 - 30% so với trước Tết. Ảnh chụp màn hình |
Anh Nguyễn Văn Hải - một công chức tại Đà Nẵng - cho biết, gia đình anh đang tìm mua một lô đất tại thị xã Điện Bàn để xây nhà. “Tôi có ý định mua đất từ trước Tết, nhưng lúc đó giá còn khoảng 1,5 tỉ đồng/lô 100m². Giờ quay lại hỏi thì giá đã tăng lên hơn 1,8 tỉ đồng, thậm chí có nơi rao đến 2 tỉ đồng. Môi giới bảo giá sẽ còn tăng nữa nhưng tôi lo giá bị thổi phồng quá mức”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thìn - nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh - cho hay đã đặt cọc 200 triệu đồng một lô đất ở khu đô thị mới tại Điện Ngọc, Điện Bàn.
“Tôi nghe bạn bè nói giá đất khu giáp ranh này đang tăng nhanh, nếu không xuống tiền ngay bây giờ thì mất cơ hội. Môi giới cam kết sau vài tháng có thể bán lại lời ít nhất 300 triệu đồng" - chị Thìn hào hứng kể.
![]() |
Chuyên gia nhận định, cơn sốt đất giáp ranh Đà Nẵng - Quảng Nam có thể chỉ là hiệu ứng nhất thời. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
Theo ghi nhận, giá đất tại nhiều khu vực giáp ranh Đà Nẵng - Quảng Nam đã tăng từ 15-30% chỉ trong vòng vài tháng. Một số môi giới thậm chí khẳng định, giá có thể tăng gấp đôi trong năm naykhiến nhiều người vội vàng xuống tiền mà không kịp kiểm tra tính pháp lý của bất động sản.
Cẩn trọng với nguy cơ sốt ảo đất nền
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện tượng này không mới và từng xảy ra ở nhiều địa phương.
Một nhóm đầu cơ có thể đã gom đất từ trước, sau đó tung tin để tạo hiệu ứng đám đông, đẩy giá lên cao rồi bán ra, thu lợi nhuận khổng lồ. Tâm lý đầu tư theo tin đồn mà không kiểm chứng thông tin có thể khiến nhà đầu tư rơi vào “bẫy sốt ảo”, giá đất bị đẩy lên nhưng không có thanh khoản thực sự.
![]() |
![]() |
Một số khu vực giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng chưa phát triển hạ tầng đồng bộ khiến nhu cầu thực sự thấp và khó tìm được người mua đất. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
Còn ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản - nhận định, cơn sốt đất giáp ranh Đà Nẵng - Quảng Nam có thể chỉ là hiệu ứng nhất thời từ tin đồn sáp nhập. Người mua cần hết sức thận trọng, không nên mua đất theo tâm lý đám đông mà cần cân nhắc kỹ về pháp lý, tiềm năng thực sự và khả năng tài chính. Một số nhà môi giới bất động sản còn cảnh báo rằng, nhiều khu đất tại khu vực giáp ranh ở Quảng Nam - Đà Nẵng chưa có sổ đỏ, đang trong quá trình quy hoạch hoặc thuộc diện đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. Nếu không kiểm tra kỹ, người mua có thể mất tiền đặt cọc mà không nhận được đất, thậm chí dính bẫy các “dự án ma”.
Theo thống kê của Tập đoàn Dịch vụ Bất động sản DKRA Consulting, trong 2 tháng đầu năm 2025, phân khúc đất nền tại Đà Nẵng và vùng phụ cận ghi nhận nguồn cung sơ cấp tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2024. Nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án mở bán trước đó và tập trung tại hai thị trường là Quảng Nam và Đà Nẵng, với khoảng 1.646 sản phẩm sơ cấp đang được chào bán. Tuy nhiên, giao dịch thị trường chủ yếu phát sinh ở nhóm sản phẩm thuộc các tổ hợp khu đô thị có tiện ích đa dạng, pháp lý hoàn chỉnh. Điều này cho thấy, những khu vực chưa có quy hoạch rõ ràng hoặc chỉ nóng lên vì tin đồn có thể đối diện với nguy cơ mất thanh khoản khi thị trường điều chỉnh.