Mua gạo, rau, thịt có ‘chứng minh thư’
Ngày càng có nhiều bà nội trợ dùng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc khi mua thực phẩm.
Thời gian gần đây các doanh nghiệp (DN), nhà bán lẻ đẩy mạnh việc áp dụng mã QR Code (mã phản hồi nhanh, mã vạch ma trận hoặc mã hóa thông tin…) nhằm giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại thông minh.

Không phải là phép màu
Đánh giá việc triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu hướng tích cực và cần nhân rộng nên sắp tới TP HCM sẽ triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo (tiến tới áp dụng với nhiều loại thực phẩm khác như thịt gà, rau, củ quả...) bằng công nghệ thông tin tại nhiều chợ cũng như siêu thị.
Công nghệ truy xuất nguồn gốc thịt heo do Hội Công nghệ cao TP HCM nghiên cứu, ứng dụng. Theo đó, người tiêu dùng có thể kiểm tra thịt sạch hay bẩn bằng ứng dụng trên smartphone. Trước đó, heo tại trang trại đã được gắn vòng nhận diện (gắn chip theo dõi). Vòng nhận diện được ví như “chứng minh thư” cho heo.
Nói về vấn đề này, ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, cho hay ở nhiều nước như Nhật, Mỹ, Liên minh Châu Âu đều sử dụng mã sản phẩm để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, rượu vang. Mục đích nhằm duy trì chất lượng và hình ảnh của thương hiệu nổi tiếng trong nước, đồng thời nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng người sản xuất có thể trà trộn nguồn hàng không đảm bảo. Bởi mã QR Code chỉ là phương tiện để đảm bảo yên tâm cho người mua về nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ uy tín, thương hiệu của nhà sản xuất chân chính chứ không phải là phép màu hay cây đũa thần giúp bảo đảm tuyệt đối chất lượng sản phẩm.
Đại diện một công ty sản xuất thực phẩm cũng cho rằng nếu kiểm soát chặt cộng với ý thức của người sản xuất và kinh doanh thì sẽ kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm như heo, bò, gà, cá, rau... Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng quản lý và sản xuất chưa đồng bộ có thể sẽ dẫn tới việc đánh tráo, trà trộn giữa thực phẩm sạch với không sạch.
“Ví dụ người tiêu dùng mua thịt heo thường tin tưởng vào thương hiệu và sẽ ít có điều kiện tham chiếu, kiểm tra mã sản phẩm. Do đó phải giải quyết căn cơ bài toán này bằng cách giao trách nhiệm truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho DN, nhà phân phối… và người tiêu dùng chỉ kiểm tra khi nào nghi ngờ. Bên cạnh đó, người bán cũng phải ký cam kết bán sản phẩm đúng nguồn gốc, không sử dụng mã sản phẩm giả và cam kết này phải có giá trị pháp lý” - đại diện công ty trên đề xuất.
Theo Tú Uyên (Pháp luật TP HCM)