Lấp kẽ hở tín dụng ngân hàng trong cho vay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Nhiều nội dung liên quan đến hoạt động cho vay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang được lấy ý kiến cho Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36/2014...
Lấp kẽ hở tín dụng ngân hàng trong cho vay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp


Trong Dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến, có một nội dung đáng quan tâm liên quan tới việc giới hạn, hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, cụ thể là đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, nhằm hạn chế rủi ro của việc tập trung tín dụng vào một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan dẫn đến tập trung rủi ro và tránh tác động lan truyền rủi ro của một số đối tượng trong nhóm khách hàng có liên quan, Dự thảo quy định điều kiện, giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao (cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp).

Một nội dung mới đáng chú ý là việc bổ sung nội dung quy định về việc ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để khách hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp "Để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp là công ty con của chính ngân hàng đó".

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, công ty tài chính không được huy động tiền gửi của cá nhân, nguồn vốn huy động chủ yếu của công ty tài chính là từ vốn vay của tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, ngân hàng mẹ), phát hành giấy tờ có giá (bao gồm cả trái phiếu) cho các tổ chức, nhận tiền gửi của tổ chức.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay, một số doanh nghiệp là công ty con của ngân hàng thương mại đang thực hiện huy động vốn thông qua việc Ngân hàng mẹ (A) cho vay đối với một tổ chức B (là sân sau của A và công ty con của A) để tổ chức B mua trái phiếu của doanh nghiệp.

Vì vậy, dự thảo thông tư bổ sung quy định này nhằm hạn chế việc sử dụng dòng tiền vay của ngân hàng thương mại, lòng vòng để mua trái phiếu doanh nghiệp do công ty con của ngân hàng thương mại phát hành.

Cùng với đó, dự thảo cũng quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:

a) Khách hàng thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng;

b) Khách hàng là người có liên quan của các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng;

c) Khách hàng là đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), khách hàng là người có liên quan của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung);

d) Để đầu tư trái phiếu chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM).

Quy định hiện hành cho phép tổ chức tín dụng thực hiện cho vay mà không có tài sản bảo đảm. Do đó, việc khách hàng sử dụng trái phiếu của tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng hoặc chính trái phiếu doanh nghiệp hình thành từ vốn vay là tài sản bảo đảm sẽ cho phép ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể thu hồi được phần vốn cho vay từ phát mại tài sản bảo đảm trong trường hợp khách hàng không trả được nợ.

Do đó, dự thảo lần này đã bỏ điều kiện về tài sản bảo đảm, cho phép khách hàng sử dụng tài sản bảo đảm là trái phiếu do tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành; trái phiếu của doanh nghiệp phát hành mà khách hàng vay để mua trái phiếu của doanh nghiệp đó.

Theo Hoàng Nguyên (Vneconomy)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video