Không mua được Vissan, CJ chi 500 tỷ thâu tóm xúc xích Đức Việt?
Một nguồn tin đáng tin cậy cho hay thông tin tập đoàn CJ thâu tóm Đức Việt sẽ chính thức được công bố vào khoảng giữa tháng 8 tới đây.
[caption id="attachment_24234" align="aligncenter" width="700"]
Thất bại đầy bất ngờ trước đối thủ Anco của Masan trong thương vụ mua cổ phần của Vissan mới đây, CJ CheilJadang Corporation (CJ) của Hàn Quốc quay sang thâu tóm toàn bộ Công ty cổ phần thực phẩm Đức Việt, một công ty sản xuất xúc xích ở Hà Nội, tiến tới tham vọng chinh phục thị trường thực phẩm Việt Nam.
Dù mới chỉ là tin đồn, chưa được các bên chính thức xác nhận, nhưng một nguồn tin của chúng tôi từ Hà Nội cho hay “đã xuất hiện người của CJ ở các điểm đại lý, cửa hàng, nhà phân phối của Đức Việt”.
Một nguồn tin đáng tin cậy khác cho hay thông tin tập đoàn CJ thâu tóm Đức Việt sẽ chính thức được công bố vào khoảng giữa tháng 8 tới đây.
Mức giá của thương vụ này chưa được tiết lộ, nhưng các tin ban đầu cho biết thương vụ này có giá trị vào khoảng 500 tỷ đồng.
Sau thương vụ “mua hụt” Vissan, tập đoàn CJ vẫn kiên định mục tiêu thâm nhập thị trường thực phẩm Việt Nam với chiến lược chuỗi kinh doanh thực phẩm khép kín.
Hiện tập đoàn này đã có nhà máy thức ăn, chuỗi trang trại heo, gà tại Việt Nam và họ rất muốn có thêm nhà máy chế biến thực phẩm để hoàn thiện chuỗi khép kín của mình.
Nếu hoàn tất thâu tóm Đức Việt, CJ sẽ có lợi thế rất lớn, có thể ngang tầm C.P Việt Nam, bởi CJ sẽ chủ động được nguyên liệu, vấn đề mà cả Vissan lẫn Massan sẽ khó khắc phục được trong một sớm một chiều.
Từ những năm 2000, với số vốn ban đầu ít ỏi, Đức Việt khởi đầu hương hiệu từ một xưởng sản xuất vỏn vẹn có 200 mét vuông tại quận Thanh Xuân – Hà Nội.
Đến năm 2002, Đức Việt chuyển đổi thành Công ty Liên doanh Đức Việt, đồng thời cung cấp ra thị trường 4 loại xúc xích mang hương vị Đức, gồm: xúc xích nướng, xúc xích xông khói, xúc xích vườn bia, xúc xích thành viên.
Đây là những sản phẩm chủ lực của công ty sau này, được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng, được người tiêu dùng bình chọn danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Chỉ sau bốn năm có mặt trên thị trường, năm 2004, Đức Việt khai trương Nhà máy chế biến thịt và thực phẩm sạch tại Khu Công nghiệp Phố Nối – Xã Tân lập – Huyên Yên Mỹ – Tỉnh Hưng Yên (cách Hà Nội khoảng 30 km).
Nhà máy rộng khoảng 3,5 ha, có công suất lò mổ 200 đầu lợn/ngày, tương đương 60.000 đầu lợn/năm (hiện nay lò mổ đã được chuyển sang Kim Động – Hưng Yên).
Hệ thống pha lọc, chế biến thịt có công suất 17 tấn ngày, tương đương 5.000 tấn/năm, và dây chuyền chế biến xúc xích và thực phẩm khác từ thịt : 14 tấn/ngày , tương đương 4.000 tấn/năm.
Năm 2008, Công ty này chuyển đổi thành Công ty CP Thực phẩm Đức Việt với nhiều cổ đông tham gia góp vốn.
Số lượng cán bộ công nhân tăng lên 300 người và sản xuất ra gần 60 loại sản phẩm các loại bao gồm dòng xúc xích cao cấp Berlin của Đức, có các loại sản phẩm như xúc xích Béc lin, xúc xích Nurembe…
Sản phẩm của công ty phục vụ phân khúc khách hàng khó tính với đặc tính sản phẩm là sử dụng thịt heo, thị bò xay thô với phần thịt ngon nhất; dòng xúc xích truyền thống gồm rất nhiều loại sản phẩm như: xúc xích Bock, Brat, Bia viên, Đồng quê, Chân giò hong khói, Thăn hong khói, Dọi quế hong khói…
Ngoài xúc xích, Đức Việt còn sản xuất các loại sản phẩm truyền thống như: giò chả, Pate…, các sản phẩm về thịt sạch; các loại gia vị, mù tạt và các sản phẩm khác theo yêu cầu của thị trường và khách hàng.
Công ty CP Thực phẩm Đức Việt là một trong 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất năm 2010 (xếp hạng 194) do Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam và báo Vietnamnet công bố.
Tuy nhiên, cách nay hai ba năm, chính thức là từ khi thị trường phía Bắc xuất hiện thương hiệu xúc xích C.P Việt Nam, ông Hứa Xuân Sinh, CEO Đức Việt từng tâm sự công ty bắt đầu gặp khó khăn.
Theo đó thì trước đây, Đức Việt xác lập được thương hiệu xúc xích dòng cao cấp khá tốt ở phân khúc nhà hàng, khách sạn hạng sang.
Ngay cả mặt hàng trung cấp cũng được người dùng Hà Nội và phía Bắc đánh giá cao nhưng “khi thị trường xuất hiện sản phẩm C.P thì tình hình cạnh tranh trở nên khó khăn hơn”.
Ông Sinh thừa nhận do không chủ động được nguồn nguyên liệu nên Đức Việt gặp khó khăn khi thị trường biến động.
Hơn nữa, giá nguyên liệu đầu vào lẫn chất lượng không ổn định cũng là nguyên nhân khiến giá thành của Đức Việt mất vị thế cạnh tranh, từ đó, thị phần tại hệ thống nhà hàng, khách sạn, ngay cả cửa hàng, siêu thị…cũng dần bị thu hẹp.
“Có thời điểm công ty làm không có lời mặc dù vẫn kiên định với dòng xúc xích hương vị Đức”, ông Sinh nói và chia sẻ chuẩn bị bước sang lĩnh vực mới là kinh doanh kho lạnh.
Những khó khăn đó đã góp phần khiến Đức Việt phải đi tìm đối tác và CJ từ Hàn Quốc xuất hiện.
Theo VietQ