Khách sạn Sài Gòn đổi Chủ tịch HĐQT, kế hoạch doanh thu 2017 đạt 45 tỷ
Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 của CTCP Khách sạn Sài Gòn (Mã CK: SGH) ngày 28/3 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 với doanh thu 45 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9 tỷ đồng và bầu HĐQT nhiệm kì 2017 - 2021 gồm 5 thành viên.
Đạt công suất phòng 76,61% với 34.093 lượt khách năm 2016
Khách sạn Sài Gòn được xem là một trong những khách sạn lâu đời nhất của TP HCM, thành lập năm 1968 với tên gọi ban đầu là Peninsula Hotel, nằm tại vị trí đắc địa ngay trung tâm thương mại và du lịch quận 1. Năm 1997, đơn vị này bắt đầu hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần (CTCP) với vốn điều lệ ban đầu là 18 tỷ đồng. Đến năm 2014, SGH tăng vốn lên 35,3 tỷ đồng.
Doanh thu từ lưu trú khách sạn chiếm bình quân trên 60% qua các năm, tỷ lệ lãi gộp từ dịch vụ này đạt trên 20%. Năm 2015, SGH đạt doanh thu khoảng 35 tỷ đồng, lãi sau thuế 4 tỷ đồng và cổ tức 5% bằng tiền.
Theo báo cáo của Ban giám đốc SGH, năm 2016 vừa qua Công ty đạt doanh thu là 40 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6 tỷ đồng. SGH đạt công suất phòng 76,61% với số lượng khách 34.093 lượt khách.
Hoạt động kinh doanh của Khách sạn Sài Gòn cũng đối mặt với khó khăn cạnh tranh giá các khách sạn khác ở trung tâm; hạn chế khu vực để xe cho khách hội nghị, tiệc; một số chi phí như tiền lương, bảo hiểm, điện, nước, bảo vệ môi trường dự báo sẽ tăng trong năm.
Năm 2016, tăng vốn để có quyền sử dụng đất lâu dài
Theo hợp đồng thuê đất năm 2012 thì mỗi năm SGH phải trả tiền thuê đất là 3 tỷ đồng cho 586 m2 đất sử dụng tại số 41 – 47 Đông Du, quận 1. Sau 5 năm nhà nước sẽ đánh giá lại tiền thuê. Để có thể phát triển lâu dài, SGH sẽ đầu tư sở hữu quyền sử dụng đất lâu dài thay vì trả tiền thuê mỗi năm. Dự tính nhu cầu vốn cho việc đầu tư này khoảng 63,5 tỷ đồng.
Năm 2016, SGH đã hoàn tất việc phát hành cổ phần tăng vốn với số tiền tăng thêm là 88,3 tỷ đồng. Sau đợt tăng vốn này, tổng tài sản và nguồn vốn của SGH đạt 147,8 tỷ đồng tăng gần 98% so với năm 2015; vốn điều lệ từ 35,3 tỷ đồng tăng lên 123,6 tỷ đồng.
Số tiền thu được từ phát hành thêm cổ phần dùng để tái cơ cấu các khoản nợ của Công ty và đầu tư quyền sử dụng đất lâu dài thay vì trả tiền thuê đất mỗi năm. Ngày 27/12/2016, SGH đã được UBND TP HCM chấp thuận việc chuyển đổi hình thức thanh toán tiền thuê đất 1 lần thay cho trả tiền thuê đất hàng năm cho toàn bộ diện tích 41-47 Đông Du, quận 1.
Sau tăng vốn, cơ cấu cổ đông của SGH gồm cổ đông nhà nước, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH MTV (Saigontourist) là cổ đông lớn nhất nắm 38,86% vốn; kế đến là ông Lý Thanh Hùng chiếm 18,76% vốn...
Cổ tức 2016 là 2% và 2017 là 6%
Năm 2017, Công ty đưa ra nhận định tình hình du lịch Việt Nam ổn định và có chiều hướng phát triển về khách du lịch quốc tế. Nhưng sự cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ, đặc biệt là phòng ngủ sẽ là áp lực đối với giá bán.
HĐQT SGH đề ra một số chiến lược kinh doanh như mở rộng và tập trung phát triển khách corporate, khách ở dài hạn, duy trì phát triển thị trường online; tăng cường việc kết nối giữa kinh doanh phòng hội nghị và kinh doanh F&B. Đầu năm 2017, Công ty đã cho một đối tác thuê 400m2 tầng 1 và 14m2 sảnh để kinh doanh nhà hàng thương hiệu Sushi Tei trong 5 năm.
Ngoài chỉ tiêu doanh thu 45 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9 tỷ đồng, Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 SGH đã thông qua tỷ lệ chi cổ tức năm 2016 là 2% trên mệnh giá và kế hoạch cổ tức năm 2017 dự kiến 6%.
HĐQT nhiệm kì 2017-2021 của SGH cũng được Đại hội cổ đông bầu ra với 5 thành viên là ông Phạm Thanh Bình – Chủ tịch HĐQT, ông Chung Hán Lương, bà Lê Thị Hoàng Mai, ông Phạm Quang Vũ và ông Trương Tấn Sơn.
Trong đó, ông Trương Tấn Sơn đại diện cho cổ đông Nhà nước là Tổng công ty du lịch Sài Gòn - TNHH MTV (Saigon Tourist). Ông Sơn hiện cũng là Giám đốc Khách sạn Majestic tại số 1 Đồng Khởi quận 1.
Cổ phiếu SGH có thanh khoản khá thấp. Trong vòng một năm qua, phiên giao dịch có khối lượng nhiều nhất cũng chỉ đạt hơn 6.309 đơn vị. Trong khi đó, so với đỉnh năm 2016 là 48.800 đồng/cp thì hiện thị giá SGH đã giảm về mức 27.000 đồng/cp.
Theo Duy Khánh - NDH