Giải mã việc chuyển thương hiệu sản phẩm Vicostone về Phenikka
Ngày 30/6/2016 tới đây CTCP Vicostone (mã VCS) tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2016 trong đó có đề nghị thông qua chủ trương chuyển nhượng nhãn hiệu Vicostone cho công ty cổ phần Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikka).
Thông tin này gây hoang mang cho cổ đông bởi các cổ đông cho rằng Vicostone chủ yếu bán hàng nhờ thường hiệu Vicostone, nếu chuyển thương hiệu này cho công ty mẹ thì liệu sau này Vicostone có chuyển hết lợi nhuận về cho công ty mẹ hay không.
Đảm bảo tăng trưởng dài hạn 20%/năm
Trả lời NDH, Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng Ban quan hệ cổ đông Vicostone ông Phạm Anh Tuấn cho rằng nhà đầu tư đang hiểu sai nội dung này. Bởi lẽ việc trình ĐHCĐ lần này nhằm chuyển nhượng nhãn hiệu của sản phẩm Vicostone Quartz Surfaces, một loại đá thạch anh nhân tạo của công ty. Điều này theo ông Tuấn là do mức độ nhận biết nhãn hiệu Vicostone (theo nghiên cứu của công ty tư vấn tại Mỹ) chưa tương xứng với quy mô của cả Tập đoàn Phenikka nếu Vicostone là đầu mối xuất khẩu.
Trong những năm qua chi phí cho nhận diện thương hiệu của công ty gần như không đáng kể. Với quy mô công suất của toàn Tập đoàn Phenikka lớn như hiện tại, việc xây dựng nhận diện thương hiệu sản phẩm trên quy mô thống nhất toàn tập đoàn là cần thiết. Đặc biệt là trong bất kỳ trường hợp nào, Vicostone được phép sử dụng vĩnh viễn nhãn hiệu Vicostone Quartz Surfaces để bán hàng và không phải trả bất cứ khoản chi phí nào các công ty trong tập đoàn tập trung đầu mối xuất khẩu chủ yếu về Vicostone, đảm bảo tăng trưởng ít nhất 20%/năm về dài hạn như kế hoạch đã lập
Do đó, HĐQT trình ĐHCĐ chuyển nhượng thương hiệu sản phẩm Vicosonte Quartz Surface về tập đoàn nhằm tận dụng các lợi thế sẵn có, nguồn lực tài chính, kinh nghiệm quản trị của công ty mẹ để triển khai hiệu quả các chiến dịch truyền thông, quảng bá sản phẩm tại các thị trường trọng điểm giúp tăng doanh thu và thị phần của công ty. Bên cạnh đó, trong vòng 2 năm qua, Công ty mẹ đã đầu tư trên 20 triệu USD cho việc mở rộng cơ sở hạ tầng mạng lưới bán hàng tại Mỹ và Canada. Ông Tuấn cho rằng, việc này sẽ giúp cổ đông Vicostone được lợi vì giúp Vicostone giảm chi phí tài chính, chi phí tiếp thị và bán hàng.
Việc đổi tên Vicostone thành CTCP Đá thạch anh cao cấp VCS (VCS STONE) theo ông Tuấn có mấy lý do chủ yếu sau: thứ nhất là tên công ty thể hiện kinh doanh cốt lõi là sản xuất kinh doanh đá tấm lớn thạch anh nhân tạo, thứ hai là giữ tên VCS là mã chứng khoán quen thuộc, bất kỳ ai sử dụng từ khoá “VCS” đều dẫn đến tất cả các thông tin trước đây với tên VICOSTONE, thứ ba là theo Luật chuyên ngành, nếu tên nhãn hiệu trùng với tên thương mại của công ty thì không được chuyển nhượng nhãn hiệu. Phenikka đang tạo lợi thế không chỉ cho tập đoàn mà cả lợi ích dài hạn và bền vững cho công ty VCS STONE (tên mới).
[caption id="attachment_24904" align="aligncenter" width="460"]
26% cổ đông còn lại của Vicostone sẽ quyết định
Một nội dung nữa đáng chú ý tại Đại hội lần này đó là việc Vicostone chuyển nhượng dự án bất động sản tại lô đất CT thuộc khu dân dụng Bắc Phú Cát, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, tp.Hà Nội, việc chuyển nhượng này nhằm trả lại vốn đầu tư cho Vicostone (khoảng 300 tỷ đồng nhằm giảm gánh nặng tài chính và chi phí lãi vay). Đây là khu đất được Vicostone triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho cán bộ công nhân viên, bán bằng giá vốn với mục đích làm hỗ trợ cho cán bộ công nhân viên tập đoàn. Do đó việc chuyển nhượng này giúp tập đoàn Phenikka gánh lại chi phí hộ cho Vicostone chứ không mang mục đích thương mại, giúp VICOSTONE (tên mới là VCS STONE) tập trung vào kinh doanh cốt lõi.
Với các nội dung liên quan đến cổ đông mẹ Phenikka, do Phenikka đang sở hữu 72,49% vốn điều lệ của Vicostone, PHENIKAA và các cá nhân/tổ chức liên quan tới PHENIKAA không được tham gia biểu quyết. Như vậy 26,64% cổ phần còn lại sẽ quyết định có hay không việc chuyển nhượng nhãn hiệu Vicostone Quartz Surfaces về cho công ty mẹ Phenikka cũng như việc chuyển chủ đầu tư dự án nhà ở cho CBCNV.
Vicostone cũng xin ý kiến phát hành thêm cổ tức cho cổ đông hiện hữu bằng cổ phiếu tỷ lệ 8%-15% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Thời gian thực hiện trong năm 2016 và 2017.
Theo NDH