Dòng tiền quay lại nhóm cổ phiếu bất động sản lớn

Nhóm cổ phiếu bất động sản ghi nhận tín hiệu tích cực khi pháp lý được tháo gỡ, dòng tiền cải thiện và thị trường xuất hiện những thương vụ quy mô lớn.
Cổ phiếu bất động sản được khuyến nghị tích cực, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quỹ đất lớn, năng lực triển khai tốt và tình hình tài chính lành mạnh. Ảnh: Lục Giang

Cổ phiếu bất động sản ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực

Thị trường đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực tại nhóm cổ phiếu bất động sản, trong bối cảnh hàng loạt dự án lớn được tháo gỡ pháp lý và chính sách tín dụng dần khơi thông. Giới phân tích kỳ vọng, các doanh nghiệp có quỹ đất lớn, năng lực triển khai tốt và tình hình tài chính lành mạnh sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong chu kỳ vận động mới của thị trường từ nửa cuối năm 2025.

Theo ông Đào Hồng Dương - Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), thị trường đã bắt đầu chứng kiến quá trình hồi phục của nhóm cổ phiếu bất động sản, không còn dừng ở kỳ vọng như trước.

Trong số các doanh nghiệp nổi bật, Novaland (NVL) đang có những tín hiệu tích cực nhờ các dự án quy mô lớn như Aqua City và Aqua Waterfront. “Thông tin về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản đã mang lại tác động tích cực, không chỉ riêng với NVL. Trong thời gian vừa qua, cổ phiếu NVL đã có mức tăng trưởng đáng chú ý nhờ kỳ vọng từ các dự án kể trên” - ông Dương đánh giá.

Không chỉ NVL, thị trường còn chứng kiến sự khởi sắc tại nhiều doanh nghiệp khác như Nam Long (với dự án Izumi City), KDH (The Foresta, The Privia), DXG (Gem Riverside), HDG, AGG... Tại Hà Nội, KBC với dự án Tràng Cát đã hoàn tất quy hoạch 1/500, dự kiến mở bán trong quý II hoặc III năm nay.

Ông Dương nhấn mạnh: “Khi được tháo gỡ pháp lý, các dự án tại vị trí tốt sẽ có hai lợi thế quan trọng: Khả năng huy động vốn và khả năng bán hàng”. Dù vậy, ông Dương lưu ý thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa rõ rệt tùy theo năng lực tài chính và đặc thù từng dự án. “Tôi tin rằng năm 2025, bất động sản, cả nhà ở và công nghiệp sẽ là một trong những ngành có giao dịch sôi động. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng lợi như nhau” - ông kết luận.

Trên thực tế, trường cũng ghi nhận dòng tiền đang đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu thuộc Vingroup như VIC, VHM và VRE. Trong nửa đầu năm 2025, các mã này có đà phục hồi ấn tượng.

Pháp lý được tháo gỡ, dòng tiền dần khơi thông

Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích của Chứng khoán SHS nhận định, nhóm cổ phiếu bất động sản dân cư đang được đánh giá ở mức khuyến nghị tích cực, nhờ các yếu tố hỗ trợ cả vĩ mô lẫn ngành. Trong đó, hành lang pháp lý được tháo gỡ đang tạo điều kiện để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai, đồng thời giảm thiểu rủi ro tồn kho, ghi nhận doanh thu trong ngắn hạn.

Giai đoạn 2024-2025 chứng kiến các chính sách lớn như Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, Nghị định 71/2024/NĐ-CP, Nghị quyết 161 và 171/2024/QH15 được ban hành và triển khai. Các văn bản này giúp giải quyết điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, chi phí tính giá đất, điều kiện chủ đầu tư, đồng thời xử lý hàng loạt dự án chuyển tiếp đang vướng mắc.

Nhiều dự án lớn vì thế đã được gỡ vướng, bao gồm dự án Đan Phượng, Giảng Võ của Vingroup; Aqua City, Lakeview của Novaland; BT Thủ Thiêm của CII và Thaco; Izumi City của Nam Long Group…

Thương vụ lớn xuất hiện, doanh nghiệp mở bán trở lại

Bên cạnh yếu tố pháp lý, xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo thông tin của SHS, thương vụ tiêu biểu gồm: Gamuda tăng vốn dự án Yên Sở (Hà Nội) thêm 1,12 tỉ USD; CapitaLand hợp tác với Vinhomes tại Ocean Park 3 (Hưng Yên) 800 triệu USD; Trump Organization hợp tác với KBC và IDG phát triển dự án khu đô thị, sân golf tại Hưng Yên trị giá 1,5 tỉ USD.

Ở trong nước, nhiều dự án mới quy mô hàng trăm đến hàng nghìn hécta đã được chấp thuận đầu tư trong thời gian ngắn, thay vì 2-3 năm như trước. Nổi bật có Khu đô thị Cam Lâm (10.356ha, 260.000 tỉ đồng), Khu đô thị Cam Ranh (1.250ha, 85.000 tỉ đồng), Phước Vĩnh Tây (1.089ha, 80.079 tỉ đồng), Sun Blanca Vũng Tàu và tổ hợp tại Bắc Ninh.

Đi cùng với đó, các doanh nghiệp niêm yết như VIC/VHM, NLG, DXG, HDG, TCH, KDH, PDR, VPI… dự kiến đồng loạt mở bán lại nhiều dự án quy mô lớn trong năm 2025, nhờ các vướng mắc pháp lý đã được tháo gỡ.

SHS khuyến nghị tích cực nhóm cổ phiếu có tình hình tài chính lành mạnh, quỹ đất sạch và năng lực triển khai tốt như: TCH, HDG, NLG, TAL.

Với sự cộng hưởng của hành lang pháp lý minh bạch, dòng vốn FDI tích cực và chu kỳ mở bán được khơi thông, cổ phiếu bất động sản dân cư đang dần xác lập lại vị thế trong danh mục đầu tư. Tuy nhiên, khả năng phục hồi sẽ phụ thuộc lớn vào chất lượng tài sản, năng lực triển khai và sức khỏe tài chính của từng doanh nghiệp.

Theo Báo Lao Động

Bỏ room tín dụng: Từng bước nghiên cứu, chờ thời điểm chín muồi

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN sớm bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng, thay vào đó cần theo cơ chế thị trường. Thực tế trong thời gian qua, NHNN đã đổi mới cơ chế điều hành, có lộ trình giảm dần và tiến tới bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Video