FECON sẽ đổi tên và nới room nhà đầu tư nước ngoài lên trên 49%

Sáng 23/4, CTCP Kỹ thuật Nền móng và Công trình ngầm FECON (mã FCN – HOSE) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016.

Tại Đại hội, FECON đã đưa ra trình và lấy ý kiến cổ đông hai điểm chính, đó là đổi tên Công ty từ “Công ty CP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON” thành “Công ty Cổ phần FECON” (Tên tiếng Anh là FECON CORPORATION) và thông qua chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu (nới room) của Nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu Công ty lên trên 49%.

[caption id="attachment_18133" align="aligncenter" width="650"]Đến dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của FECON có 120 cổ đông sở hữu trên 29 triệu cổ phần tương đương với 63,8% tổng số cổ phần của FECON. Đến dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của FECON có 120 cổ đông sở hữu trên 29 triệu cổ phần tương đương với 63,8% tổng số cổ phần của FECON.[/caption]

Lý giải về việc đổi tên, tờ trình phát tới các cổ đông nêu rõ: Với mục tiêu chiến lược đến năm 2020, FECON trở thành nhóm công ty hàng đầu của Việt Nam về hạ tầng, bên cạnh các ngành nghề kinh doanh chính hiện nay của Công ty là: nền móng, công trình ngầm và hạ tầng, FECON đang mở rộng lĩnh vực kinh doanh để phát huy năng lực mạng lưới kinh doanh và nắm bắt các cơ hội, phục vụ mục tiêu phát triển chung của Công ty, tạo lợi ích tối đa cổ đông.

Tên Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON hiện tại không bao phủ được toàn bộ lĩnh vực mà Công ty đang hướng tới là hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng và hạ tầng môi trường. Với tờ trình nới room, HĐQT FECON nhận thấy, yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài về việc tăng tỷ lệ sở hữu là rất cần thiết, tạo điều kiện thu hút đầu tư, tăng thanh khoản, giúp giá cổ phiếu phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp , đem lại lợi ích dài hạn cho cổ đông.

Theo báo cáo của ông Phạm Việt Khoa –  Chủ tịch HĐQT về kết quả SXKD năm 2015 và kế hoạch hoạt động 2016, trong năm 2015 còn gặp nhiều khó khăn do thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn. Năm 2015, Ban lãnh đạo FECON đã tập trung chỉ đạo bám sát các nhiệm vụ trọng tâm đề ra, kiểm soát chi tiêu, tăng cường công tác tìm việc. Các công trình thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn lao động. Thương hiệu FECON tiếp tục được chủ đầu tư đánh giá cao, giữ vững và nâng cao uy tín nhà thầu hàng đầu Việt Nam về Nền móng công trình. Việc hiện thực hóa chiến lược phát triển trở thành doanh nghiệp hạ tầng hàng đầu vào năm 2020 đã được Ban lãnh đạo tập trung triển khai thông qua các dự án cụ thể. Năm 2015, doanh thu hợp nhất của FECON đạt 1.660 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch và tăng trưởng 23% so với năm 2014.

fecon 2

Nguyên nhân chính của việc không đạt chỉ tiêu theo kế hoạch là việc một số dự án lớn trong năm bị trì hoãn triển khai từ phía chủ đầu tư, tổng thầu đặc biệt là các dự án liên quan đến lọc hóa dầu do ảnh hưởng của biến động giá dầu thế giới và các dự án sử dụng ngân sách nhà nước không thể triển khai do không thể thu xếp vốn, trong khi các dự án ODA cũng bị chậm trễ do thiểu nguồn vốn đối ứng.

Công tác bán hàng được FECON đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao với tổng sổ hợp đồng ký mới trong năm 2015 là khoảng 1.700 tỷ đồng. Có thể kể tới như dự án Samsung Hồ Chí Minh (220 tỷ đồng), Samsung Thái Nguyên giai đoạn 3 (250 tỷ đồng), Samsung Bắc Ninh (80 tỷ đồng), Dầu ăn Nghi Sơn (89 tỷ đồng), các dự án của Bitexco (130 tỷ đồng), Long Phú 1 (gói cọc, 250 tỷ đồng), dự án Đường tránh Phủ Lý (2 gói 250 tỷ đồng)… đã góp phần bù đắp phần lớn sự thiếu hụt từ các hợp đồng chậm triển khai kể trên.

Đặc biệt, năm 2015, FECON đã tiếp cận tương đối thành công thị trường xây dựng phía Nam bằng việc ký kết nhiều họp đồng trị giá trên 300 tỷ đồng và xâm nhập thị trường nước ngoài với dự án mở rộng cảng Thilawa tại Myanmar, trị giá trên 2 triệu USD. Năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 155 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch và tăng trưởng 14%. Tỷ lệ Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu năm 2015 suy giảm từ mức 9,7% năm 2014 xuống còn 9,3% năm 2015 do trong năm 2015, tỷ trọng các dự án cung cấp và thi công cọc, mảng có tỷ suất lợi nhuận biên thấp hơn xử lý nền chiếm tỷ trọng cao (khoảng 70%) trong cơ cấu doanh thu so với năm 2014. Trong khi, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư, chuẩn bị nguồn lực cho các mảng kinh doanh hạ tầng và công trình ngầm và kế hoạch tăng trưởng cao trong những năm tiếp theo.

Việc mở rộng thị trường phía Nam của công ty bước đầu cũng không tránh khỏi những khó khăn. Với mục tiêu từng bước đặt chân và thị trường phía Nam, xây dựng mạng lưới nhà cung cấp và khách hàng, Công ty vẫn nhận thực hiện một số dự án có tỷ suất lợi nhuận không được như mong muốn, do đó, ảnh hưởng nhất định đến lợi nhuận chung năm 2015.

Tổng tài sản tiếp tục tăng trưởng mạnh 34% so với năm 2014 đạt 2.949 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn tăng trưởng lần lượt là 36% và 25%. Lượng tiền và tương đương tiền cuối năm đạt 299 tỷ đồng tăng 26% với năm 2014 đảm bảo duy trì tính thanh khoản cao đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về doanh thu. Tổng tài sản tăng mạnh còn do việc Công ty đã tiến hành nâng tỷ lệ sở hữu tại cổ phần Công ty cổ phần Hạ tầng FECON (FCI) lên mức chi phối (51%) và thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của FCI trong Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015.

Tình hình thanh khoản của FECON ở mức khá an toàn khi các chỉ số thanh khoản nhanh và hiện hành lần lượt đạt 1.5 và 1.2 lần, ở mức ổn định và an toàn qua các năm. Trong năm FECON không phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn, được các tổ chức tín dụng, đối tác đánh giá ở mức tín nhiệm cao và duy trì một trạng thái tài chính lành mạnh, ổn định và bền vững trong dài hạn.

Theo DĐDN

Tags:

Video