Đường Quảng Ngãi có khuấy đảo sàn Upcom?

“Hàng khủng” QNS- CTCP Đường Quảng Ngãi vừa đổ bộ lên sàn Upcom hôm 20/12 đã nối tiếp làn sóng các DN lớn nương nhờ sàn chứng khoán chưa niêm yết trong năm 2016. Tuy chưa thực sự bùng nổ, nhưng vị ngọt Vinasoy – dòng sản phẩm chính của QNS vẫn được các nhà đầu tư hồ hởi đón nhận.

kqln 9t duong quang ngai

Sự hào hứng của nhà đầu tư đối với vị ngọt Vinasoy, có vẻ chưa thực sự “bùng nổ” nếu so với “cơn say” cổ phiếu ngành bia, điển hình là làn sóng đổ xô đầu tư vào cổ phiếu Habeco trên sàn Upcom trước đó, kế tiếp là chuỗi ngày tăng trưởng chóng mặt của Sabeco khi niêm yết tại HoSE.

Vì sao chưa “bùng nổ”?

Hiện tại, sau 1 tuần niêm yết với 4 phiên giao dịch, QNS chỉ khuấy đảo sàn Upcom với đà tăng tới 40% so với giá niêm yết chào sàn Upcom là 80.000đ/cp, tiếp đó là 2 phiên điều chỉnh với mức giảm lần lượt 3,05% và 14,65%, xét từ giá bình quân của các phiên liền trước. Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, QNS chỉ tăng nhẹ 0,89%. Tuy nhiên, lượng dư mua khá lớn trong 4 phiên cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn đang “canh” QNS ở mức giá có thể đầu tư mua vào, trong khi lượng bán ra chênh lệch thấp hơn và kỳ vọng giá cao khiến các lệnh bên bán – mua chưa khớp.

Một chuyên gia đánh giá đối với thực lực của QNS, có nhiều nguyên do khách quan khiến cổ phiếu này chưa khuấy đảo sàn Upcom như kì vọng, mặc dù mức tăng phiên giao dịch đầu tiên là vô cùng ngoạn mục: Thứ nhất, chuỗi ngày QNS hiện diện ở Upcom khá ngắn, lại rơi trúng vào trước kì nghỉ Giáng Sinh. Nhà đầu tư có tâm lý nghỉ lễ sớm nên không còn quan tâm nhiều đến những cổ phiếu mới. Thứ hai, sự tăng trưởng của các tân binh trên sàn Upcom trước đó và những cú “giảm tốc” đột ngột đã khiến nhiều nhà đầu tư thận trọng hơn với “vị ngọt” mời gọi của mọi loại hàng hóa mới, bao gồm cả hoàng hóa ở nhóm có triển vọng hiện diện trên bảng Upcom Premium hoặc không.

“Tuy nhiên, sự thận trọng không phủ sóng quá mức ở Upcom trong thời gian qua đang tạo nhiều cửa lớn chào đón những cổ phiếu/ hàng hóa thuộc ngành tiêu dùng tiếp tục có kế hoạch chọn sàn này làm địa chỉ giao dịch cổ phiếu đại chúng chưa niêm yết. Lượng hàng hóa đã nộp hồ sơ xin chào sàn liên tục lẫn tương lai cũng là một yếu tố khiến nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi. Thời gian sẽ giúp nhà đầu tư thanh lọc được những cổ phiếu có vị ngọt thật sự”, vị này đánh giá.

QNS có gì “ngon”?

Chưa khuấy đảo sàn Upcom đến bùng nổ, nhưng không thể phủ nhận độ hấp dẫn của QNS. Đặc biệt xét về dài hạn, QNS được đánh giá là cổ phiếu “ngon”, một món quà “dành tặng” cho nhà đầu tư có thể mua và nắm giữ ở giá khởi điểm.

Mảng “ngon” nhất đang khẳng định thương hiệu của QNS và góp phần lớn vào doanh thu của Cty trong nhiều năm vừa qua là mảng sữa đầu nành có thương hiệu, với nhãn chính mang tên “Vinasoy”. Tiếp theo là các nhãn hiệu như Fami, Soymen.

Theo thống kê, QNS đang sở hữu thị phần 85% trong phân khúc sữa đậu nành có thương hiệu. Riêng mảng sữa đậu nành đóng góp khoảng 55,6% lợi nhuận trước thuế của QNS trong 9 tháng năm 2016. Thống kê chung về thị trường sữa đậu nành, QNS nắm tới 40-50% thị phần trong cả nước.

Một số mảng khác của Cty, tuy nằm trong lĩnh vực kinh doanh chính và thậm chí gắn với thương hiệu như mía – đường, chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong doanh thu và lợi nhuận trước thuế. Theo đó, đường đóng góp 26,1% tỷ trọng doanh thu và 14,8% tỷ trọng lợi nhuận sau thuế. Bia đóng góp 8,0% tỷ trọng trong doanh thu và 5,2% trong lợi nhuận trước thuế…

Như vậy, trụ cột chính trong kinh doanh hiện tại của QNS vẫn là sữa đậu nành, một mảng hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang được người Việt ưu tiên chi tiêu mạnh tay, thậm chí triển vọng tăng trưởng kép CARG còn được dự báo có thể duy trì ở mức 5-15%/ năm trong giai đoạn tới.

Hiện tại, các dòng sản phẩm sữa đậu nành có thương hiệu của QNS đang đảm bảo đạt nhiều tiêu chí thích ứng với xu hướng khai thác nhu cầu: Vừa cung cấp dòng sản phẩm đồ uống dinh dưỡng vừa mang tính chất nước giải khát. Do đó, CARG này được xem là dự báo khá sát.

Đối mặt nhiều thách thức, rủi ro

Chính yếu tố đặc thù kinh doanh phụ thuộc lớn vào một chuỗi sản phẩm lõi, QNS đang đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai: Thứ nhất, sự cạnh tranh của ngành hàng tiêu dùng đồ uống – dinh dưỡng và giải khát. Trong đó, sự tiến quân vào các phân khúc ngách của những ông lớn ngành sữa như Vinamilk, đang ra mắt sữa tươi Organic hay các dòng sữa chua ăn nhai (nha đam, hạt lựu), hoặc dòng sữa bắp được biết đã mang lại doanh thu rất lạc quan trong năm 2016 ngay khi vừa tung ra cho Sữa Quốc tế IDP… là những mũi cạnh tranh trực tiếp với Vinasoy của QNS. Thứ hai, mặc dù nguồn nguyên liệu cung cấp cho dòng sản phẩm chính của QNS đang khá chủ động, được ổn định từ vùng mua Tây Nguyên và nhập khẩu tại Campuchia, song với nhà máy mới Bình Dương dự kiến sẽ phục vụ sản xuất để xuất khẩu để thị trường mới, QNS vẫn cần một nguồn cung ứng nguyên liệu cho sản phẩm mở rộng hơn. Chi phí nhập khẩu nguyên liệu cộng chi phí làm thị trường mới có làm giảm biên lợi nhuận tương lai là một thách thức của DN.

Ngoài ra, dòng Soymen của QNS trên thực tế không thành công như mong đợi. Mở rộng dòng sản phẩm ra sao để có thành tựu như Vinasoy và Fami là câu trả lời không hề dễ dàng.

Dù vậy, nhìn tổng quan về QNS và những bước tiến ngoạn mục của một Cty thành viên đã đưa doanh số từ 20 tỷ đồng năm 2001 tăng lên hơn 3.100 tỷ đồng năm 2014 và dự phóng khoảng 6000 tỷ đồng hợp nhất vào năm 2016, QNS vẫn là một hàng hóa được đánh giá có nền tảng cơ bản tốt, triển vọng tăng trưởng bền vững. Giá mục tiêu 1 năm mà chứng khoán SSI đưa ra cho cổ phiếu QNS là 126.687 đồng, tương ứng tăng 58% so với giá niêm yết.

Theo các chuyên gia 3 rủi ro cần quan tâm khi xem xét QNS: Doanh thu/lợi nhuận thấp hơn so với dự kiến ở các mảng kinh doanh chính gồm sữa đậu nành và đường; (2) Giá bán đường thấp hơn dự kiến (3) Nguồn cung cổ phiếu ở mức cao do tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi khá cao với mức giá vốn thấp (~15%).

Theo Lê Mỹ DĐDN

Tags:

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video