Doanh nghiệp nhựa giữ sao cho được sân nhà

Trước làn sóng thâu tóm của các DN nhựa đến từ nước ngoài, một số DN nhựa trong nước đang thực hiện những kế hoạch mở rộng để cố giữ lại được thị phần trên thị trường nhựa có tốc độ tăng trưởng khá cao ở Việt Nam.

[caption id="attachment_56475" align="aligncenter" width="600"] Quy hoạch phát triển ngành nhựa đến 2025. (Nguồn: Báo cáo ngành nhựa Việt Nam)[/caption]

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT Cty Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA) đã tỏ ra rất tự tin với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2017 ước đạt 2.900 tỷ đồng và 200 tỷ đồng, bảo đảm lợi nhuận tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng vốn, thu nhập trên cổ phiếu tăng trưởng hai con số.

DN nội giành giật

Sự tự tin của ông không phải không có lý do, vì trong thời gian qua AAA đã liên tục thực hiện chiến lược mở rộng nhà máy và nâng cấp công nghệ. Với 7 nhà máy hoạt động ngày đêm tập trung vào sản phẩm truyền thống như túi siêu thị, màng nhựa, túi đựng rác, mức lợi nhuận cả năm 2016 đạt gần 143 tỷ đồng, vượt 43% so với kế hoạch.

Sự mở rộng cũng như kết quả kinh doanh ấn tượng của AAA là một trong những điểm sáng nổi bật trong năm qua, và có thể cả năm nay, của các DN nhựa nội địa nói chung, đặc biệt trong bối cảnh những thông tin về các vụ thâu tóm của DN nước ngoài với DN nhựa trong nước ngày càng nhiều.

Ngành công nghiệp nhựa là một ngành còn khá non trẻ so với các ngành công nghiệp lâu đời khác tại Việt Nam như cơ khí, điện tử, hóa chất hay dệt may, nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trong giai đoạn 2010-2015, ngành nhựa là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước với mức tăng trưởng hàng năm từ 16-18% mỗi năm, do thị trường tiêu thụ rộng lớn dẫn đến các sản phẩm nhựa được sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực như thực phẩm, xây dựng, viễn thông.

Chính vì vậy đây cũng là lĩnh vực được nhiều DN nước ngoài nhòm ngó tới, trong khi ở thị trường trong nước đã có tới hơn 2.000 DN nhựa đang hoạt động.

Thực tế, sự mở rộng thị trường của AAA cũng cho thấy DN này không muốn mất dần thị trường vào tay những đối thủ đến từ nước ngoài.

Nhưng AAA không chỉ là DN nhựa nội địa duy nhất đang cố giành giật lấy thị phần về phía mình. Ở trong phân khúc nhựa xây dựng, hai ông lớn trong ngành là Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh, vốn đang chi phối thị trường phía bắc và phía nam, cũng đã bắt đầu mở rộng thị phần bằng cách xâm nhập vào sân chơi của đối thủ cũng như mở rộng sang khu vực miền Trung, nơi mà thị trường ống nhựa chưa có ngôi vương. Việc mua lại Nhựa Năm Sao của Nhựa Tiền Phong và mong muốn sáp nhập Nhựa Đà Nẵng của Nhựa Bình Minh đã thể hiện rõ chiến lược này.

Bên cạnh đó, hai DN này còn duy trì thị phần bằng cách gia tăng tỷ lệ chiết khấu cho các đại lý. Đơn cử như Nhựa Tiền Phong luôn duy trì mức tỷ lệ chiết khấu cao khoảng, trong khi Nhựa Bình Minh duy trì ở mức 11 – 17% và các chính sách khác cho đại lý. Các DN khác như Hoa Sen, Europipe và Tân Á Đại Thành cũng không chịu ngồi yên. Năm ngoái Hoa Sen Bình Định đã khánh thành nhà máy nhựa có tổng công suất 24.000 tấn/năm tại Bình Định, còn Công ty CTCP Nhựa Stroman Việt Nam (thành viên Tập đoàn Tân Á Đại Thành) cũng đã khánh thành nhà máy ống nhựa Stroman Hưng Yên với tổn vốn đầu tư 70 triệu USD.

Đối thủ nước ngoài có để yên?

Nhưng dù sao đi nữa, những gì mà các DN nhựa trong nước thể hiện trong thời gian qua vẫn chưa đủ xua đi nỗi lo về sự lấn lướt của các DN ngoại. Trong những năm gần đây, các DN đến từ Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo nên làn sóng thâu tóm các DN nhựa tại Việt Nam.

Nổi bật phải kể đến tập đoàn SCG đến từ Thái Lan, tập đoàn này đang nối dài cánh tay của mình ở thị trường Việt Nam thông qua hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập. Đối với phân khúc bao bì nhựa, SCG đã chi 44 triệu USD để thâu tóm bao bì Tín Thành, một trong năm DN lớn nhất ngành bao bì nhựa. Không chỉ vậy, SCG còn thâm nhập sâu vào ngành nhựa xây dựng Việt Nam khi sở hữu 23,8% cổ phần tại Nhựa Tiền Phong và 20,4% tại Nhựa Bình Minh. Tính đến thời điểm này, SCG đã chi ra khoảng 121 triệu USD đầu tư vào 7 DN nhựa Việt Nam.

Không chỉ có người Thái, nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật cũng ưa thích thị trường nhựa Việt Nam. Tiêu biểu, Cty Oji Holding Corporation của Nhật đã mua Cty Bao Bì United, hay Sagasiki Vietnam mua Cty Cổ phần In và Bao bì Goldsun. Gần đây, một tổ chức đầu tư của Nhật là RISA Partners cũng ngỏ ý muốn đầu tư vào Cty Nhựa dân dụng Đông Á, còn Tập đoàn Hàn Quốc Dongwon Systems cũng đã mua lại cùng lúc hai DN lớn là Bao Bì nhựa Tân Tiến và Bao Bì nhựa Minh Việt - vốn là công ty bao bì thuộc Masan Group. Có thể nhận thấy, các DN ngoại này thường lựa chọn cách thức liên doanh để góp vốn và tạo ảnh hưởng lên thị trường thay vì phải xây dựng thương hiệu từ đầu.

Trong một báo cáo phân tích về ngành nhựa gần đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định rằng việc thâu tóm trọn các DN sản xuất chế biến từ mua vốn của SCIC sau khi thoái, hay mua đứt các DN nhỏ dự báo sẽ tiếp tục diễn ra với lợi ích đến từ việc tiết kiệm chi phí tìm hiểu thị trường, tận dụng nguồn lực trong nước, đồng thời để khai thác nhu cầu tiêu thụ của chính thị trường nội địa.

Tới lúc đó thị phần nhựa trong tay các nhà đầu tư ngoại sẽ còn tiếp tục tăng lên và các DN nội lại phải tính chuyện giữ sân nhà theo cách khác.

Tags:

Ba mô hình sàn giao dịch vàng phổ biến toàn cầu

Các sàn giao dịch vàng trên thế giới hoạt động đa dạng với cơ chế giám sát chặt chẽ, từ giao dịch vàng vật chất đến tài khoản và phái sinh. Mỗi mô hình có đặc điểm riêng nhưng đều hướng tới minh bạch, hiệu quả và bảo vệ nhà đầu tư.

Giá vàng hạ nhiệt: Cơ hội hay rủi ro?

Sau thỏa thuận Mỹ - Trung, giá vàng thế giới bước vào chu kỳ điều chỉnh ngắn hạn, trong khi thị trường vàng Việt Nam vẫn chịu áp lực chênh lệch cao, đòi hỏi nhà đầu tư cân nhắc chiến lược thận trọng.

Video