Chủ tịch Sơn Hà: Chúng tôi từng nhìn ngắn
Lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất bồn inox thừa nhận nhiều quyết định trong quá khứ đưa ra khi tính toán chưa thấu đáo, song cũng cam kết "sửa sai" trong những bước đi kế tiếp.
Phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (Mã CK: SHI) được tổ chức ngày 12/4 kết thúc muộn hơn dự kiến do việc trả lời hàng loạt câu hỏi chất vấn từ phía cổ đông dành cho ban lãnh đạo.
Một cổ đông cá nhân sở hữu gần 3,2 triệu cổ phần, tương đương khoảng 5,28% vốn điều lệ của công ty đã đặt trên 15 câu hỏi xoay quanh hoạt động kinh doanh, kế hoạch đầu tư, cơ cầu nguồn vốn và cách thức quản trị cho doanh nghiệp nằm trong top thương hiệu bồn nước Inox và thái dương năng tại Việt Nam. Trong đó, việc đặt kế hoạch kinh doanh thấp, phương án đầu tư chưa hợp lý là câu chuyện được cổ đông này nhấn mạnh.
Vị này cũng bộc bạch, việc quan tâm đến hoạt động của công ty cũng bởi bản thân đã bỏ ra một phần tài sản rất lớn cho cổ phiếu SHI nhưng 3 năm gần đây hầu như không thu lại được gì khi thị giá cổ phiếu của Sơn Hà trên thị trường vẫn được định giá quá thấp.
Bản thân Chủ tịch Sơn Hà cũng thừa nhận tầm nhìn của ban lãnh đạo trong nhiều trường hợp trong quá khứ vẫn còn "ngắn". Đơn cử như quyết định đầu tư nhà máy tại Nghệ An, việc không dự đoán được tốc độ tăng trưởng quá nhanh dẫn đến chỉ sau một thời gian ngắn nhà máy này đã tối đa công suất và không còn diện tích để mở rộng.
"Ý kiến của cổ đông về việc Sơn Hà đã bỏ ra một số tiền quá lớn nhằm mở rộng nhà máy Nghệ An là đúng, nhưng lúc đó yêu cầu mở rộng đã quá cấp thiết. Trước đây ban lãnh đạo đã không lường trước được tốc độ tăng trưởng quá nhanh", ông Sơn lý giải. Tuy nhiên ban lãnh đạo cũng đã có những bước đi mang tính chiến lược ở hiện tại để "sửa sai".

Đơn cử như vấn đề đầu tư ra nước ngoài, việc tham gia vào thị trường Myanmar thông qua Công ty Sonha Myanmar International được Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn đánh giá là "bước sửa sai so với thị trường Việt Nam". Theo ông Sơn, Sơn Hà đã để từng nhìn thấy tiềm năng của sản phẩm ống thép đen trong xây dựng nhưng sau đó do chần chừ đã để Hòa Phát tiến vào trước và thống trị về sản phẩm này tại Việt Nam.
"Myanmar với quy mô 60 triệu dân cũng như Việt Nam thời kỳ mới xây dựng cơ sở hạ tầng. Sơn Hà đã từng để tuột mất thị trường ống thép đen tại Việt Nam thì sẽ làm lại tại Myanmar, đây là một thị trường rất tiềm năng", vị Chủ tịch chia sẻ.
Năm 2017, Quốc tế Sơn Hà đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 2.500 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế 115 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 10% mệnh giá (5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu), hầu như không tăng trưởng quá nhiều so với thực hiện năm 2016. Theo ban lãnh đạo, nhiều kế hoạch đầu tư trong quá khứ cho tới kế hoạch kinh doanh năm 2017 đều được đề ra trong tâm thế đặt nguyên tắc thận trọng lên hàng đầu.
"Mặc dù trình kế hoạch lợi nhuận năm 2017 chỉ tăng 2 tỷ so với thực hiện năm 2016 lên 115 tỷ nhưng anh em trong nội bộ vẫn tự đặt kế hoạch với nhau từ 135 đến 140 tỷ. Chúng tôi luôn bị áp lực rằng, nếu kế hoạch đặt ra hoàn thành hoặc vượt thì không sao nhưng không đạt thì chết, sẽ chịu áp lực trước Đại hội, bị cổ đông phàn nàn rất nhiều", ông Lê Vĩnh Sơn nói.
Theo Phó tổng giám đốc Đàm Quang Hùng, năm 2016 là năm thăng hoa với ngành thép, trong đó Sơn Hà cũng là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi. Chỉ tính riêng việc giá thép nguyên liệu sản xuất đầu vào của Sơn Hà giảm khoảng 37% trong 9 tháng đầu năm đã đóng góp lớn đến kết quả kinh doanh chung. Tuy nhiên, đến 3 tháng đầu năm 2017 giá thép nguyên liệu đã tăng gần 40% kể từ đáy.
"Chúng tôi có căn cứ để xây dựng kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao hơn nhưng một số yếu tố không chắc chắn đã dẫn tới kế hoạch đưa ra tại Đại hội chỉ tương đương mức thực hiện năm 2016", ông Hùng cho biết.
Với vấn đề cơ cấu vốn, cổ đông đã đề cập đến câu chuyện của nhiều doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn do vay nợ quá nhiều trong quá khứ, để nói đến tình hình hiện tại của Sơn Hà. "Tỷ lệ nợ vay của Sơn Hà hiện gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu, trong đó riêng vay ngắn hạn ngân hàng đã hơn 900 tỷ đồng, cao hơn cả vốn chủ. Cơ cấu vốn như vậy là không hợp lý khi rủi ro thanh khoản sẽ rất lớn", một cổ đông cá nhân cho biết.
Đại diện công ty lý giải, hiện tài sản dài hạn của Quốc tế Sơn Hà chỉ hơn 600 tỷ đồng với vốn chủ sở hữu hơn 800 tỷ đồng, điều này cho thấy vốn chủ sở hữu vẫn đang tài trợ toàn bộ cho tài sản dài hạn và một phần cho tài sản lưu động. Tuy nhiên, bản thân công ty cũng xem xét cơ cấu lại nguồn vốn, Sơn Hà cũng đã ký hợp đồng tư vấn với đơn vị kiểm toán lớn để thực hiện điều này.
Theo Minh Sơn - VNE