Cạn room tín dụng, nhiều ngân hàng ngóng “nới quota”
Ngay cả ba ngân hàng có vốn Nhà nước lớn hiện đang niêm yết là VCB, BID, CTG cũng đã có tăng trưởng cho vay ở mức cao trong nửa đầu năm nay nên nhiều khả năng cũng sẽ sớm xin NHNN nới quota tín dụng.
[caption id="attachment_68733" align="aligncenter" width="650"]
Theo báo cáo về tình hình kinh tế tháng 8/2017 và 8 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGS) thì tín dụng tính đến hết tháng 8/2017 ước tăng 11,5% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,2%).
Điều này đồng nghĩa với việc dư nợ cho vay đã tăng khá tốt riêng trong tháng vừa qua với 2,2%. Cũng theo báo cáo này, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tiếp tục xu hướng giảm, ước tăng 8,8% (cùng kỳ 2016 tăng 11%), chiếm 54% tổng tín dụng. Tín dụng ngắn hạn ước tăng 14,1% (cùng kỳ tăng 9%), chiếm gần 46% tổng tín dụng. Tín dụng bằng VND chiếm 91,5%, tín dụng ngoại tệ chiếm 8,5% tổng tín dụng.
Trước khả năng hệ thống ngân hàng sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 18% đặt ra hồi đầu năm, Chính phủ đã yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất cho vay, đồng thời đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trong năm nay, trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô.
Với mức hoàn thành 11,5% trong 8 tháng kết hợp với yếu tố mùa vụ cuối năm, BVSC cho rằng khả năng toàn hệ thống ngân hàng đạt được mức tăng trưởng tín dụng hơn 20% là hoàn toàn có thể. Trên thực tế, một số ngân hàng TMCP gần đây đã có động thái xin nới “room” tăng trưởng tín dụng như ACB, VIB. Ngay cả ba ngân hàng có vốn Nhà nước lớn hiện đang niêm yết là VCB, BID, CTG cũng đã có tăng trưởng cho vay ở mức cao trong nửa đầu năm nay nên nhiều khả năng cũng sẽ sớm xin NHNN nới quota tín dụng.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết đã trình Ngân hàng Nhà nước xin nâng room tín dụng để có thêm dư địa cho vay, song khả năng được xem xét dựa trên các tiêu chí và quy mô của từng ngân hàng.
Tại VPBank, tính đến ngày 31/7/2017, dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 13,9% và nếu tính cả phần trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu VAMC thì tín dụng tăng trưởng 13,3% so với đầu năm. Như vậy, nếu so với room tín dụng được giao ở mức 16%, 6 tháng còn lại của năm 2017, VPBank chỉ còn dư địa cho vay 2,7%.
Trong khi đó, VIB đã dùng gần hết “room” tín dụng cả năm ở mức 16% từ cuối tháng 6/2017. Dư nợ tín dụng của Ngân hàng đạt 75.686 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2017, tăng 15,7% so với cuối năm 2016; trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt 69.205 tỷ đồng. Lãnh đạo VIB cho biết, Ngân hàng đã trình xin nới room tín dụng với Ngân hàng để xin nới room tín dụng, với kỳ vọng có thêm dư địa để cho vay trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm.
Đại diện ACB cũng cho hay, Ngân hàng đã sử dụng hơn một nửa room tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay và đang chờ được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt cho nới thêm so với chỉ tiêu ban đầu là 16% cho cả năm 2017.
Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, tín dụng hiện vẫn tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, nhưng cũng thừa nhận bất động sản ấm dần lên là cơ hội tốt để tăng trưởng dư nợ tín dụng, nhất là đối với phân khúc khách hàng cá nhân mua nhà.
So với trước, hiện các ngân hàng cũng đã kiểm soát chặt rủi ro trong cho vay bất động sản. Tuy nhiên, việc tín dụng vẫn dựa nhiều vào bất động sản trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh đang hồi phục khiến nhiều chuyên gia lo ngại, nhất là trong bối cảnh thị trường nhà đất đang trên đà phục hồi thiếu bền vững như hiện nay.
Nhìn nhận về động thái của Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng toàn ngành lên trên 20% trong năm nay, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, mục tiêu này là có thể đạt được. Tuy nhiên, để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, điều kiện quan trọng là phải giảm được lãi suất. Mặt khác, kiểm soát chất lượng tín dụng luôn là điều kiện đặt lên hàng đầu.
Vấn đề đặt ra là liệu khi các ngân hàng được khuyến khích tăng cung vốn cho nền kinh tế thì liệu thanh khoản của hệ thống có gặp khó khăn hay không. Theo BVSC, điều này có thể sẽ diễn ra tại một số thời điểm nhất định, nhất là trong giai đoạn cao điểm chi trả nhu cầu thanh toán vào cuối quý IV. Tuy vậy, về tổng thể, công ty chứng khoán này đánh giá rủi ro này không quá lớn và chủ yếu mang tính thời điểm.