Cần cú hích cho ngành công nghiệp không khói tại Tây Ninh
Mặc dù được địa phương xác định phát triển thành ngành kinh tế quan trọng, tuy nhiên, trong những năm qua, ngành du lịch của Tây Ninh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Theo các chuyên gia kinh tế, để tạo cú hích cho du lịch, rất cần có những DN lớn đầu tư xây dựng những điểm nhấn về du lịch.

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ giao thông về đường bộ quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc, với đường biên giới quốc gia dài 240km giáp với 3 tỉnh Svay Rieng, Prey Veng, Tbong Khmum, với 16 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát; Tây Ninh còn nằm trên tuyến đường Xuyên Á- là tuyến giao thông huyết mạch đóng vai trò kết nối các vùng kinh tế trọng điểm như TP HCM, các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ sang Campuchia và các nước ASEAN.
Tài nguyên du lịch của Tây Ninh phong phú và đa dạng, hội đủ yếu tố phát triển các loại hình du lịch truyền thống, tâm linh, sinh thái, mạo hiểm, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hoà, ít thiên tai, hệ sinh thái đa dạng; vừa có sông, có núi, có hồ, có rừng.
Đặc biệt, Tây Ninh là quê hương giàu truyền thống cách mạng, là cái nôi căn cứ địa cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc.
Ngoài hệ thống di tích lịch sử - văn hoá đa dạng, Tây Ninh còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn rất dồi dào với nhiều di sản văn hoá phi vật thể độc đáo được công nhận. Có những sản phẩm du lịch rất riêng, độc đáo, không có nơi nào có được.
Chia sẻ về thế mạnh của Tây Ninh, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh rất đa dạng về loại hình du lịch dành cho các đối tượng khác nhau. Hơn nữa, con người cũng là nét riêng của vùng đất này. Vùng đất có lịch sử mới vài trăm năm, nhưng đó là lịch sử của một quá trình liên tục đấu tranh để khai phá, giữ gìn và phát triển không hề ngơi nghỉ của người Tây Ninh nơi vùng “phiên giậu” của Tổ quốc.
Cũng theo ông Ngọc, năm 2016, Tây Ninh đón gần 2,68 triệu lượt khách tham quan. Những kết quả đạt được trong thu hút khách du lịch, tốc độ tăng trưởng du lịch cho thấy nỗ lực của tỉnh trong khai thác thế mạnh của ngành “công nghiệp không khói”.
Hướng nào cho du lịch Tây Ninh?
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, du lịch Tây Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đến nay, vẫn chưa có lời giải thấu đáo cho câu hỏi: Làm gì và làm như thế nào để khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh nhà.
Hạn chế của du lịch Tây Ninh còn nằm ở những vấn đề như cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất còn thiếu, phát triển chậm, chưa đồng bộ; Định hướng phát triển du lịch chưa rõ, thiếu tính chiến lược lâu dài; Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm thấp; Nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, DN du lịch chưa mạnh, thiếu tính chuyên nghiệp, việc kết nối các đơn vị lữ hành còn hạn chế; Thiếu các nhà đầu tư chiến lược…
Nhìn từ bài học khá thực tế,13 năm trước, tỉnh Ninh Bình từng cử một đoàn cán bộ vào học hỏi cách làm du lịch của Tây Ninh thì nay, chính những người cán bộ ấy lại có mặt tại Tây Ninh để chia sẻ về những bài học quý giá đã giúp du lịch Ninh Bình thành công vượt bậc.
Theo lời chia sẻ của đại diện Sở Du lịch Ninh Bình thì du lịch Ninh Bình bứt phá, chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, Ninh Bình đã đón 5,5 triệu lượt khách tham quan và dự kiến đạt hơn 7 triệu khách trong năm 2017. Con số này cao gấp gần 3 lần so với lượng khách tới Tây Ninh. Để làm được điều đó là nhờ vào sự đầu tư của một số DN lớn như Xuân Trường đã đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng vào xây dựng quần thể du lịch Bái Đính- Tràng An. Như vậy, muốn phát triển du lịch rất cần có những DN lớn đứng ra đầu tư, hình thành những điểm nhấn về du lịch như cánh chim đầu đàn, kéo những cánh én theo sau.
Đồng tình với quan điểm này, ông Ngọc cho rằng: Tỉnh Tây Ninh đã chọn Khu di tích lịch sử văn hoá núi Bà Đen làm trung tâm đầu tư phát triển du lịch, trong đó đã xây dựng quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trung tâm lễ hội tâm linh núi Bà Đen. Kêu gọi đầu tư, phát triển một số khu du lịch đã được quy hoạch như khu du lịch Ma Thiên Lãnh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đảo Nhím.
“Đặc biệt, cách đây 2 ngày, Tập đoàn Sungroup đã có chuyến khảo sát thực tế để đầu tư một dự án du lịch khu vực núi Bà Đen. Với tinh thần cầu thị, tỉnh đã và đang tạo những điều kiện hết sức hỗ trợ để cho DN vào đầu tư. Nếu như Sungroup chọn Bà Đen để xây dựng thành một điểm nhấn du lịch cho tỉnh thì đây là tín hiệu rất đáng mừng và hứa hẹn sự bứt phá cho du lịch tỉnh nhà”, ông Ngọc cho biết.