8 nhà đầu tư muốn thành cổ đông chiến lược của PV Oil
8 nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược của PV Oil đều bày tỏ ý định mua lượng lớn cổ phần PV Oil.
Tại buổi giới thiệu cổ phiếu của Tổng công ty dầu Việt Nam – Công ty TNHH MTV (PV Oil), ông Cao Hoài Dương – Tổng giám đốc cho biết tổng công ty đã nhận được 8 bộ hồ sơ của nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước quan tâm đến PV Oil. Trong đó có 6 nhà đầu tư nước ngoài là Shell, Idemitsu, KPE, Puma (Thụy Sỹ), SK (Hàn Quốc) và nhà đầu tư đến từ Trung Đông; còn tổ chức trong nước là Quỹ đầu tư Sacom và Công ty Sovico.
"Các nhà đầu tư nước ngoài đều bày tỏ mong muốn mua tối đa tỷ lệ 49% vốn của PV Oil và các tổ chức trong nước cũng muốn mua khối lượng lớn, lên đến trên 35% vốn", ông Dương nói.
Theo ông Dương đối tác chiến lược của PV Oil phải có sự quan tâm thực sự đến mảng bán lẻ xăng dầu Việt Nam, cam kết nắm giữ cổ phiếu trong vòng 10 năm. Đồng thời, các đối tác này phải cam kết hỗ trợ chuyển giao kinh nghiệm quản trị quốc tế, xây dựng được chiến lược phát triển PVOil trên cơ sở kinh nghiệm, năng lực của họ để đưa chất lượng dịch vụ của công ty lên cạnh tranh được tại thị trường Việt Nam và quốc tế.
Theo phương án cổ phần hóa, PV Oil bán 64,9% vốn cho các cổ đông bao gồm 44,7% cho cổ đông chiến lược, đấu giá công khai 20% và bán ưu đãi cho CBCNV 0,2%. Cổ phần nhà nước (Petrovietnam) sở hữu 35,1%. Ngày 25/1, PV Oil sẽ tiến hành chào bán ra công chúng lần đầu (IPO) hơn 206,8 triệu cp (20% vốn) với giá khởi điểm 13.400 đồng/cp.
Công ty có kế hoạch đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM trong vòng 3 tháng sau khi IPO và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán ngay khi đủ điều kiện. Có hai điều kiện quan trọng PV Oil cần đạt khi niêm yết HoSE là ROE lớn hơn 5% và báo cáo kiểm toán không có ý kiến ngoại trừ.
Tại báo cáo bán niên soát xét 2017, đơn vị kiểm toán đã ngoại trừ việc tổng công ty ghi nhận phải thu khác từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên quan đến khoản lỗ lũy kế đến ngày 18/5/2011 – thời điểm Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (Petec, công ty con) chính thức chuyển sang loại hình CTCP với số tiền gần 169,8 tỷ đồng. Khoản phải thu này phát sinh từ việc xác định lại phần vốn Nhà nước tại Petec ngày 18/5/2011 nhưng chưa được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết toán.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán còn nhấn mạnh việc tổng công ty ghi nhận và phản ánh trên báo cáo tài chính riêng giữa niên độ khoản vốn góp cổ phần vào Petec lớn hơn giá trị Petec đang theo dõi và hạch toán với số tiền 111,2 tỷ đồng. Ban Tổng giám đốc tin rằng khoản chênh lệch này sẽ được xử lý khi Petec thực hiện xong quyết toán cổ phần hóa. Theo đó, Ban Tổng giám đốc công ty đã quyết định điều chỉnh tăng vốn điều lệ tại công ty con để loại trừ khoản chênh lệch này trước khi thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính giữa niên độ của tổng công ty.
Theo Ngọc Điểm - NDH