5 năm của TTC Group ở Tín nghĩa Corp

Việc thâu tóm Tín Nghĩa Corp được kỳ vọng sẽ giúp doanh nhân Đặng Văn Thành tiến một bước dài, sớm trở thành đại gia có chỗ đứng trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, song "mối duyên" này chỉ kéo dài 5 năm.

5 năm của TTC Group ở Tín nghĩa Corp

Tín Nghĩa Corp là một trong những tổng công ty lớn của tỉnh Đồng Nai. Ảnh TID.

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, ngày 18/10, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bắt tạm giam 3 bị can nguyên là Tổng Giám đốc và thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP đầu tư Nhơn Trạch. Trong đó có Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tín Nghĩa (Tín Nghĩa Corp) Nguyễn Văn Hồng.

Với sự việc vừa xảy ra, HĐQT Tín Nghĩa Corp cho biết sẽ tiến hành họp trong thời gian sớm nhất để triển khai củng cố công tác tổ chức của Ban điều hành nhằm đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty được ổn định.

Vốn được thành lập từ năm 1989, Tín Nghĩa Corp là một trong những tổng công ty lớn của tỉnh Đồng Nai với doanh thu hàng năm xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.

Ngày 1/4/2016, công ty này IPO gần 14,9 triệu cổ phần, tương ứng 9,56% vốn điều lệ. Có tổng cộng 30 nhà đầu tư đăng ký mua 30,26 triệu cổ phần của Tín Nghĩa Corp, hơn gấp 2 lần lượng cổ phần mà công ty này chào bán. Trong đó, cá nhân trong nước là 22 nhà đầu tư với số lượng đăng ký mua 15,36 triệu cổ phiếu. Tổ chức trong nước có 2 nhà đầu với số lượng đăng ký là 10.000 cổ phiếu. Tổ chức nước ngoài có 4 nhà đầu tư với khối lượng đăng ký là 14,8 triệu cổ phiếu.

Sau đợt IPO trên, Tín Nghĩa Corp tiếp tục chào bán 35% vốn cho không quá 3 đối tác chiến lược với 54,53 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư chiến lược là doanh nghiệp phải có thời gian hoạt động 5 năm, tổng tài sản đến cuối năm 2014 là 1.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ và có lợi nhuận trong 3 năm liên tiếp, từ 2012-2014.

Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) của đại gia Đặng Văn Thành với bề dày hoạt động và quy mô của mình đã dễ dàng đáp ứng các điều kiện này. Theo đó TTC Group khi ấy đã bỏ ra hơn 500 tỷ đồng để sở hữu 35% cổ phần Tín Nghĩa Corp (qua công ty con là Đầu tư Thành Thành Công). Sự gắn bó này được cam kết kéo dài ít nhất 5 năm.

Như vậy sau khi thực hiện IPO và chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, cơ cấu cổ đông Tín Nghĩa Corp gồm Tỉnh uỷ Đồng Nai giữ 50%, TTC Group giữ 35%, Dragon Capital nắm gần 8% và cán bộ nhân viên nắm Tín Nghĩa giữ 5,5%.

Việc TTC Group vào Tín Nghĩa Corp là động thái đáng chú ý, nhất là khi Tín Nghĩa Corp là một tổng công ty lớn của tỉnh Đồng Nai, được biết nhiều trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng KCN và bất động sản với tổng quỹ đất lên đến 3.500ha. Tín Nghĩa Corp còn giữ vai trò chi phối tại 16 công ty con và 8 công ty liên doanh liên kết hoạt động trong các lĩnh vực KCN, bất động sản, xăng dầu, logistics, cà phê. Chính vì vậy, thương vụ này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nhân Đặng Văn Thành tiến một bước dài, sớm trở thành đại gia có chỗ đứng trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.

Sau khi trở thành cổ đông chiến lược của Tín Nghĩa Corp, TTC Group đã đưa người của mình vào nắm nhiều vị trí quan trọng tại Tổng công ty này. Điển hình, bà Huỳnh Bích Ngọc - vợ ông Đặng Văn Thành trở thành Phó chủ tịch HĐQT Tín Nghĩa Corp. Người thứ 2 là ông Huỳnh Lê Phú Kiệt, Phó Tổng giám đốc Tín Nghĩa Corp cũng là nhân vật từng gắn bó lâu năm, nắm nhiều chức vụ quan trọng ở TTC Group.

Bên cạnh đó, TTC Group còn hợp tác với Tín Nghĩa lập CTCP Cà phê Tín Nghĩa với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Trong đó, Tín Nghĩa góp 50% vốn, Đầu tư Thành Thành Công nắm 30% và CTCP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) giữ 20% vốn. Tuy nhiên vào năm 2021, Tín Nghĩa đã rút toàn bộ vốn tại công ty này do khoản đầu tư không hiệu quả.

Với một loạt thương vụ không hiệu quả, doanh nghiệp của ông Đặng Văn Thành đã từng bước rút khỏi Tín Nghĩa Corp.

Theo đó vào cuối năm 2018, khi Tín Nghĩa Corp lên sàn Upcom, tỷ lệ nắm giữ của Đầu tư Thành Thành Công giảm xuống còn 33,6%, nguyên nhân là do Tín Nghĩa tăng vốn từ mức 1.558 tỷ lên 2.000 tỷ đồng vào tháng 7/2018. Đến tháng 8/2019, Thành Thành Công chỉ còn giữ chưa tới 30% (hơn 59 triệu cổ phiếu). Đây cũng là thời điểm cổ đông chiến lược này bán tiếp gần 5 triệu cổ phiếu nữa, giảm tỷ lệ sở hữu về mức hơn 27% (54,5 triệu cổ phiếu). Vào tháng 6/2020, bà Huỳnh Bích Ngọc cũng rút lui khỏi vị trí Phó chủ tịch Tín Nghĩa.

Cuối tháng 4/2021, doanh nhân Đặng Văn Thành quyết tâm chia tay với Tín Nghĩa khi bán ra toàn bộ 54,53 triệu cổ phiếu TID theo phương thức thoả thuận, với tổng giá trị ước đạt 818 tỷ đồng. Tổng cộng sau khi thoái sạch vốn, Thành Thành Công đã lời khoảng gấp đôi.

Dù vậy, cần lưu ý rằng, sợi dây liên kết giữa đại gia ngành mía đường và "con cưng" tỉnh Đồng Nai vẫn còn đó bởi sau khi rút lui khỏi Tín Nghĩa, Thành Thành Công lại muốn hợp tác theo cách khác. Cuối tháng 5/2021, Sacomreal (TTC Land – công ty con của Thành Thành Công) cho biết đang hợp tác với Tín Nghĩa để phát triển các dự án mới tại khu vực Biên Hoà (Đồng Nai) với quy mô 160 ha.

Đáng chú ý, cùng thời điểm Đầu tư Thành Thành Công hoàn tất thoái vốn, thành viên thuộc CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (Tuấn Lộc Group) là CTCP Đầu tư xây dựng và Vật liệu xây dựng Sài Gòn đã mua vào 48 triệu cổ phiếu TID để trở thành cổ đông lớn nắm giữ gần 25% vốn Tín Nghĩa Corp. Song song với đó, nhóm này đã lần lượt đưa thành viên tham gia HĐQT TID nhiệm kỳ 2021-2026 là các ông Trần Hoài Nam và Nguyễn Thành Đạt.

Theo Khánh An (Nhà đầu tư)

Minh bạch và hiện đại hóa là chìa khóa chống thất thu thuế

Ngành Thuế đang chuyển mình mạnh mẽ trong công tác chống thất thu ngân sách, đặc biệt nhờ ứng dụng công nghệ số. Giải pháp này không chỉ giúp thu đúng, thu đủ mà còn tạo thuận lợi cho người nộp thuế và xây dựng hệ thống thuế minh bạch, hiệu quả.

Chống thất thu thuế bằng dữ liệu và công nghệ số

Ngành Thuế đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ với loạt giải pháp đột phá như số hóa, quản lý rủi ro và thanh tra chuyên đề. Những nỗ lực này không chỉ giúp thu đúng, thu đủ cho ngân sách mà còn tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống thuế minh bạch, hiện đại trong thời kỳ kinh tế số.

Cuộc chiến cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa đang nằm ở kênh phân phối?

Sự thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng trên thị trường “sân nhà” là điều mà các doanh nghiệp nội địa không thể làm ngơ. Nhất là “cuộc chiến” cạnh tranh đang nằm ở kênh phân phối khi đua nhau gia tăng độ phủ sản phẩm, như “phép thử” để xem doanh nghiệp liệu có thể đứng vững trong giai đoạn còn nhiều khó khăn này.

Video