Xuất khẩu nông sản cần chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng

Ngành nông nghiệp Việt Nam đặt chỉ tiêu xuất khẩu nông sản trong năm 2022 đạt con số 49 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%. Tiềm năng mở rộng thị trường rộng mở nhưng rào cản hiện hữu đang níu chân doanh nghiệp lại không hề nhỏ.

Để có thể mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho nông sản cũng như ổn định thu nhập cho nông dân cũng như doanh nghiệp thì rất cần có những giải pháp tổng thể để chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng thành công trong bối cảnh tầm nhìn về thị trường và tiêu chuẩn xuất khẩu không còn bị bó hẹp như trước.

GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU ĐẦU NĂM

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2022 đạt 534 triệu USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là sự tắc nghẽn và giảm mạnh tại Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tình trạng này một lần nữa khơi dậy bài toán về đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường truyền thống mà bỏ lỡ những thị trường có giá trị khác.

Thực tế cho thấy chính sự chuyển dịch thị trường sang các quốc gia tiềm năng khác đã góp phần bù lại sự thiếu hụt trong tăng trưởng. Trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả sang Mỹ tăng gần 70%, đạt 46 triệu USD; Hàn Quốc tăng gần 32%, đạt 25 triệu USD; Nhật Bản tăng 12%, đạt 23 triệu USD… Cùng với đó, xuất khẩu rau quả sang Australia tăng 45,7%, Hà Lan tăng 51,5%, Nga tăng 33,9%…

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng đã đến lúc Việt Nam, cụ thể là các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, hướng tới các thị trường mới. Chúng ta không thể đánh cược trên sự may rủi mà cần phấn đấu để chủ động đa dạng hơn các thị trường nhắm tránh những rủi ro bất ngờ. Khi đã mở cửa được thị trường thì phải thực hiện hành động kép là xây dựng và chuẩn hóa vùng nguyên liệu nhằm giúp mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.

TẬN DỤNG HIỆP ĐỊNH EVFTA

Điểm sáng của xuất khẩu nông sản thời gian qua chính là từ việc tận dụng tốt những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Sự tăng trưởng tích cực hoặc chỉ giảm nhẹ tại một số thị trường thuộc khu vực EU ngay trong tác động của dịch Covid 19 đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt có cái nhìn đúng đắn hơn khi đầu tư chinh phục thị trường này. Theo thông tin từ Bộ Công thương, con số xuất khẩu nông sản sang EU vẫn còn khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm năng. Hầu hết hàng nông sản Việt chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô, chỉ cạnh tranh về giá ở phân khúc thấp, tập trung chủ yếu vào một số nước gồm Đức, Hà Lan, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Ba Lan.

Dự báo về tiềm năng của các mặt hàng chủ lực, các chuyên gia nhận định cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè sẽ tiếp đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022. Bên cạnh hạt điều, tiêu và gạo thì cà phê vẫn là mặt hàng số 1 tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo EVFTA để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có.

Riêng về mặt hàng trái cây, Việt Nam với đa dạng các chủng loại trái cây đặc trưng của vùng nhiệt đới luôn có sức hấp dẫn nhất định với người tiêu dùng châu Âu. Đặc biệt là những loại tốt cho sức khỏe và có hương vị mới lạ như thanh long, trái vải, măng cụt, xoài, khế, chanh dây… đã mở ra cơ hội để các nhà xuất khẩu trái cây Việt Nam có thể chinh phục thị trường này.

Vì vậy, với việc hạn ngạch 80.000 tấn ưu đãi thuế suất 0% từ EVFTA chưa được lấp đầy trong năm 2021, cũng như xu thế sử dụng gạo tại EU gia tăng do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây, nếu chủ động tốt trong nguồn cung, xuất khẩu gạo và các mặt hàng khác sang EU hứa hẹn còn nhiều cơ hội hơn. Thế nhưng để cạnh tranh và có chỗ đứng tại thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại EU khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong đó có trái cây của Việt Nam phải có khả năng cung cấp các sản phẩm chất lượng cao vào các thời điểm cụ thể trong năm và tìm được những người mua, đơn vị bán lẻ quen thuộc với các đặc điểm và phân khúc thị trường.

VƯỢT CHƯỚNG NGẠI VẬT

Với những tiêu chí xuất khẩu tương tự, các thị trường khác như: Mỹ, Australia… hay Ả-rập Xê-út đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững. Những sản phẩm organic, thân thiện với môi trường bắt đầu được đánh giá cao và đang có nhu cầu lớn trong thời gian tới. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nghiên cứu sản xuất theo hướng này để gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản. Cụ thể, với mặt hàng gạo, Ả Rập Xê Út nhập khẩu khoảng 1,7 triệu tấn/năm, trong khi Việt Nam mới xuất khẩu khoảng 32.000 tấn. Bên cạnh đó, mặt hàng củ quả tươi của Việt Nam cũng đang bị thua thiệt khi công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa cao, mẫu mã không đẹp bằng các nước khác.

Một vấn đề lớn hơn đặt ra rào cản cho cả hệ thống sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chính là việc đảm bảo đáp ứng đúng và đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và quy định nhãn mác đóng gói khi xuất khẩu hàng hóa sang Ả Rập Xê Út. Nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị tước giấy phép kinh doanh, phạt tiền, thậm chí phạt tù, tất cả hàng vi phạm đều bị tiêu hủy… Tương tự, thị trường châu Âu nói chung và khối EU nói riêng có những quy định chung về an toàn thực phẩm, nhưng một số nước như Anh, Đức, Hà Lan, Áo, Đan Mạch lại áp dụng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn những quy định chung, chẳng hạn như giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL) của thuốc bảo vệ thực vật.

Trong bối cảnh hiện tại, để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với cấp mã số; tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh… Việc này không chỉ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu mà còn góp phần nâng cao vị thế của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ chủ trì, cùng bàn thảo với các cơ quan, hiệp hội, ngành hàng liên quan "để bắt đầu con đường chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch" cho nông sản Việt. Trong đó, việc sớm hình thành thí điểm Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu tại Quảng Ninh, Cần Thơ và tương lai là tại Tây Nguyên với nhiệm vụ tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics. Quan trọng nhất vẫn là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh ngành hàng, để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa từng đặc điểm thị trường như thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thị trường trong nước.

Phạm Tuấn

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video