World Bank cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu do giá hàng hóa
Ngày 8/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 2,4% từ mức dự báo 2,9% đưa ra hồi tháng 1 do giá hàng hóa vẫn duy trì ở mức thấp, nhu cầu tăng chậm tại các nền kinh tế phát triển, thương mại yếu và dòng vốn bay hơi khỏi thị trường.
[caption id="attachment_22891" align="aligncenter" width="700"]
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của WB, các thị trường mới nổi phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa đã phải vật lộn để thích nghi với tình trạng giá dầu, kim loại và những hàng hóa khác thấp hơn so với trước kia.
So với mức tăng trưởng 1,2% được đưa ra hồi tháng 1, giờ đây WB đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi xuống còn 0,4% trong năm 2016.
Trong khi đó, tình trạng của các nền kinh tế mới nổi trọng nhập khẩu hàng hóa lại có phần tốt hơn nhưng WB cho biết những lợi ích của giá năng lượng và hàng hóa thấp cần có thời gian để cụ thể hóa. Dự báo tăng trưởng của các quốc gia này đã được WB giảm nhẹ từ 5,9% xuống 5,8% trong năm nay.
Nhà kinh tế trưởng Kaushik Basu của WB cho biết hầu hết các nền kinh tế tại Đông và Nam Á đang tăng tưởng vững chắc bởi đây là những quốc gia nhập khẩu hàng hóa trong khi các nền kinh tế phát triển đang vật lộn để đạt được mục tiêu tăng trưởng của mình.
Tuy nhiên, ông Basu cũng cảnh báo rằng tốc độ tăng nợ tư chóng mặt của một vài nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có thể khiến các khoản nợ xấu tăng cao và ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng của các quốc gia này.
Trong số các nền kinh tế mới nổi lớn trên thế giới, WB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Trung Quốc ở mức 6,7% trong năm 2016. Tổ chức này dự báo rằng tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ giảm chỉ còn 6,3% vào năm 2018 như một hệ quả của quá trình chuyển đổi kinh tế.
Nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây - Ấn Độ - cũng được WB giữ tốc độ tăng trưởng 7,6% trong năm nay.
Tại Mỹ, sự suy giảm đáng kể của ngành năng lượng và xuất khẩu đã khiến WB giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới trong năm nay từ 2,7% xuống còn 1,9%.
Triển vọng tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng Euro đã giảm nhẹ xuống 1,6% mặc cho sự hỗ trợ của những chính sách tiền tệ bất thường và sự thúc đẩy của giá năng lượng, hàng hóa.
Triển vọng ảm đạm vừa được WB đưa ra có nhiều điểm tương đồng với báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra cách đây hai tháng.
Theo CNBC