Vì sao nhiều doanh DNNN chưa chịu lên sàn, “phớt lờ” công bố thông tin ?

Mặc dù đã có những quy định rõ ràng về việc bắt buộc niêm yết và công bố thông tin, thế nhưng hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn đang chưa chịu lên sàn, phớt lờ công bố thông tin hoặc chỉ công bố "cho có lệ".

Cuối năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hào hứng khi hàng loạt những tên tuổi lớn từ những lĩnh vực khác nhau "ồ ạt" kéo nhau lên sàn. Trong đó, có cả doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ như Novaland, hay các doanh nghiệp nhà nước sở hữu chi phối như Sabeco, ACV, Vinatex, Vietnam Airlines, Seaprodex và sắp tới là Petrolimex, Vietjet Air..

Với sự xuất hiện của những tên tuổi lớn, thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt của các nhà phân tích hay các nhà đầu tư quốc tế. Kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ sớm hơn khi quy mô thị trường được cải thiện.

Mặc dù vậy, tốc độ triển khai vẫn đang còn rất ì ạch tại nhiều DNNN lớn. Hiện nay, số doanh nghiệp cổ phần hóa đạt 96,3% nhưng phần vốn Nhà nước bán ra rất thấp, chỉ đạt 8%, như vậy là hoàn toàn tỉ lệ nghịch với số doanh nghiệp được cổ phần hóa. Nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn không niêm yết lên sàn, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp cận.

Năm 2016, nhiều doanh nghiệp lớn đã IPO nhưng vẫn chưa thấy lên sàn như Công ty TNHH MTV Hanel, Tổng công ty Lilama, Tổng công ty 36, Tổng công ty Dược Việt Nam, Cienco4, Cienco6, Tổng công ty Thăng Long (TLG)...

Sonadezi, Tín Nghĩa, hai Tổng công ty lớn trong ngành hạ tầng, khu công nghiệp tại Đồng Nai đang sở hữu hàng ngàn hecta đất khu công nghiệp cùng hàng loạt các công ty thành viên đang hoạt động trong ngành hạ tầng khác vẫn chưa thấy thông tin về việc sẽ niêm yết lên sàn chứng khoán.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, 5 Tổng công ty lớn nhất thuộc Bộ Xây dựng quản lý là Vicem, HUD, Sông Đà, Idico và Viglacera thì chỉ mới có Viglacera đã niêm yết trên sàn HNX với mã chứng khoán là VGC và công bố đầy đủ thông tin báo cáo tài chính trong khi 4 ông lớn còn lại vẫn im lìm...

Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác lại chậm IPO như Tổng Công ty Viễn thông Mobifone; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Bến Thành là những DNNN có tài sản lớn vẫn chưa tiến hành IPO trong năm 2016.

Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, các công ty con do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ phải công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, đồng thời gửi các báo cáo công bố thông tin về cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố thông tin.

Thế nhưng, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tính đến thời điểm tổng hợp (ngày 31/12/2016), chỉ có 241/620 doanh nghiệp (38,87%) gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu Tư để thực hiện công bố thông tin.

Còn đối với 241 doanh nghiệp đã công bố thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá là thực hiện nhưng hầu hết chưa đầy đủ. Theo đó, trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ công bố 4/9 loại báo cáo. Đặc biệt, nhiều Tổng công ty chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2015.

Mặt khác, khi đọc vào các báo cáo tài chính của các Công ty, Tổng công ty này thì một điểm chung là báo cáo tài chính hầu hết không đầy đủ, không có bảng lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính.

Trái với các doanh nghiệp niêm yết, phải tuân thủ việc công bố đầy đủ thông tin về báo cáo tài chính định kỳ hàng quý, các quyết định của ban lãnh đạo về các vấn đề liên quan đến quyền lợi cổ đông... thì ngược lại, còn hàng trăm DNNN vẫn xem việc công bố thông tin như là việc chỉ để đối phó.

Về vấn đề này, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã nhiều lần lên tiếng và cho đây là những nút thắt hạn chế sự phát triển của DNNN, gây thất thoát tài sản nhà nước và hạn chế sự phát triển chung của thị trường chứng khoán.

Trong những cuộc gặp tại các sự kiện về thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhiều lần bày tỏ rằng họ cảm thấy chán nản vì sự thiếu minh bạch trong cổ phần hóa và tiến độ thực hiện từ các doanh nghiệp nhà nước cũng quá chậm.

Một nhà quản lý quỹ đầu tư đang quản lý hàng trăm triệu USD tại thị trường Việt Nam lại đặt vấn đề vì sao các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa chậm lên sàn? Vì sao một số doanh nghiệp lớn đủ điều kiện niêm yết tại HOSE lại chọn sàn Upcom mà không phải là HOSE, nơi các nhà đầu tư quốc tế dễ dàng tiếp cận khi các quy chuẩn về công bố thông tin được quy định, giám sát ở mức cao hơn?

Theo Hoàng Trung - NDH

Tags:

Kỳ vọng gì trên thị trường chứng khoán tháng 5?

Giữa “vùng trũng” thông tin và áp lực vĩ mô, thị trường chứng khoán tháng 5 đặt kỳ vọng vào hệ thống KRX như một bước đệm cho sự minh bạch và ổn định dài hạn.

Video