TS Võ Trí Thành: Tiền tích trữ trong dân không đưa vào sản xuất rất lớn
Ngoài đầu tư vào vàng, ngoại tệ, một phần nguồn lực tài chính trong dân được chuyển ra nước ngoài, chứ không đi vào sản xuất kinh doanh.
Làm sao để huy động nguồn lực trong dân góp sức vào tăng trưởng kinh tế, một lần nữa được Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu tại hội thảo "Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách cho tăng trưởng" do Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức ngày 19/9.
"Nguồn lực của Việt Nam còn rất nhiều", Tiến sĩ Thành mở đầu bài phát biểu của mình. Lập luận này được ông đưa ra dựa trên phân tích, mỗi năm khoản tiền tiết kiệm của dân gửi tại các tổ chức tài chính chiếm 28-30% GDP. Trong khi đó, ở góc độ đầu tư quốc gia, mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư bình quân khoảng 32% GDP. Bên cạnh đó, nguồn tiền ODA, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện chiếm khoảng 1/4 tổng đầu tư của quốc gia, tương đương 6-8% GDP. Cộng khoản đầu tư và vốn ODA, FDI mỗi năm thì con số này vượt khoảng 3-4 điểm phần trăm số người Việt tiết kiệm mà không dùng vào đầu tư kinh doanh.
"So sánh vậy để thấy nguồn lực tích trữ trong dân mà không đưa vào sản xuất, kinh doanh rất lớn. Tiền này có thể được đưa ra nước ngoài, mua vàng, đôla tích trữ... Hãy khai phá nó, góp vào tăng trưởng kinh tế", ông Thành nói.

Chuyện huy động vàng, ngoại tệ trong dân để góp phần nguồn lực cho tăng trưởng đất nước được khá nhiều chuyên gia nhắc tới gần đây. Không dưới 3 lần trong chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng "thúc" Ngân hàng Nhà nước sớm đưa ra đề án huy động nguồn lực tài chính này. Gần đây nhất, tại cuộc họp Chính phủ cuối tháng 8, quan điểm huy động nguồn lực vàng, đôla trong dân lại được lãnh đạo Chính phủ nhắc lại.
Thực tế ý tưởng huy động vàng trong dân đã từng được đề cập cách đây 4-5 năm khi thị trường vàng còn nhiều xáo trộn. Hồi giữa năm 2016, sau đề xuất của Hiệp hội vàng về huy động 500 tấn vàng trong dân vào sản xuất kinh doanh, đã có những tranh luận khá gay gắt về chuyện nên hay không huy động nguồn lực này. Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì cũng có quan điểm không ủng hộ khi cho rằng nếu huy động vàng trong dân, cơ quan quản lý sẽ đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế cũng như chủ trương chống đôla hóa, vàng hóa...
Dù chưa có con số thống kê cụ thể về nguồn lực vàng, ngoại tệ đang "ẩn mình" trong dân, nhưng theo các chuyên gia nếu tiếp tục duy trì mức lãi suất huy động đồng USD ở mức 0% một năm như hiện tại, thì sẽ khó thu hút. Thay vào đó, chỉ cần tăng lãi suất đồng bạc xanh nhích lên mức 0,25 - 0,5% một năm sẽ tránh được nguy cơ chảy máu ngoại tệ, huy động vốn ngoại tệ "chảy" vào ngân hàng thay vì nằm im trong két sắt. Việc huy động này cũng đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong nước, nhất là thời điểm cuối năm thường tăng cao, trong khi Việt Nam vẫn phải vay ngoại tệ với lãi suất 1,5-2% một năm.
Dưới góc nhìn cẩn trọng, Tiến sĩ Võ Trí Thành lưu ý huy động nguồn lực ở đây phải được hiểu là có cơ chế chính sách tạo môi trường vĩ mô ổn định, cải thiện môi trường kinh doanh và những điều kiện gia nhập thị trường - những điểm lâu nay vẫn được coi là rào cản với doanh nghiệp. "Môi trường kinh doanh tốt, giá trị và niềm tin vào đồng tiền Việt được củng cố, sẽ kích thích nguồn lực vàng, ngoại tệ chuyển động vào sản xuất, kinh doanh mà không cần ngân hàng hay bất kỳ ai huy động", ông Thành phân tích.
Ngoài gợi ý cần huy động nguồn lực tài chính trong dân, nguyên Phó viện trưởng CIEM cũng cho rằng, trong lúc dồn sức đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% nhà chức trách không thể lơ là quá trình cải cách, cải thiện điều kiện gia nhập thị trường lâu nay khiến doanh nghiệp nản lòng.
Chia sẻ thêm, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, trong lúc Chính phủ, các Bộ, ngành coi năm 2017 là năm giảm phí cho doanh nghiệp thì vẫn có những chính sách thu của địa phương khiến họ nản lòng.
Trưởng ban Pháp chế kể lại tâm trạng của ông khi nhận thư kêu cứu của doanh nghiệp gửi qua email cách đây 3 ngày. Bức thư đề cập những bức xúc của một doanh nghiệp tại Thái Nguyên khi phải chi hàng trăm triệu mỗi năm trả phí cảng khi nhập hàng qua cảng Hải Phòng. Nghịch lý ở chỗ, hàng nhập về cảng Hải Phòng chỉ lưu lại ít thời gian, sau đó được chuyển sang các tàu nhỏ, vận chuyển bằng đường sông nhưng vẫn phải trả phí lớn.
"Doanh thu mỗi năm của doanh nghiệp khoảng 800 tỷ đồng, nộp ngân sách 30 tỷ. Với mức phí phải đóng thêm 300 triệu đồng một năm, đang khiến doanh nghiệp vào đường cùng, buộc phải thu hẹp quy mô. Hải Phòng có thể có lợi qua việc thu phí cảng với doanh nghiệp, nhưng lại làm giảm thu ngân sách Nhà nước, là lực cản năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp", ông nói.
Trưởng ban Pháp chế VCCI chốt lại, Việt Nam cần cách tổng thể về thuế, phí, chi thường xuyên, chi đầu tư... gắn với cải cách bộ máy, mới đủ sức giải trình với các nhà đầu tư, người dân.
Theo Anh Minh VNE