Thị trường chứng khoán cần thời gian để tìm điểm cân bằng

Thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ còn chịu nhiều áp lực trong ngắn hạn cho đến khi thuế quan chính thức có hiệu lực.
Thị trường chứng khoán dần hồi phục sau cú sốc thuế quan. Ảnh: Lê Toàn

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, sau khi đón nhận thông tin mức thuế lên tới 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam. Chỉ số VN-Index chỉ trong hai phiên cuối tuần đã giảm sốc hơn 100 điểm, nhưng đã may mắn trở lại ngưỡng 1.200 điểm khi lực cầu bắt đáy gia tăng trong phiên ngày thứ Sáu (4.4).

Thị trường có tuần giảm mạnh, với tác nhân từ tin tức về thuế quan của Mỹ gây ảnh hưởng. Tuy nhiên, vẫn có những điểm nhấn tích cực, như thanh khoản chung gia tăng mạnh mẽ tạo kỷ lục khối lượng giao dịch, trong khi một số mã ngành khoáng sản lội ngược dòng ghi nhận mức tăng đáng chú ý.

Theo phân tích của các chuyên gia Công ty Chứng khoán PHS, điều đáng lo ngại nhất không phải là tăng trưởng xuất khẩu, mà là ảnh hưởng đến dòng chảy của vốn đầu tư FDI. Trên thực tế, các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam đang rất cần dòng vốn đầu tư FDI để thực hiện chiến lược vươn mình trong kỷ nguyên mới cũng như giảm sự phụ thuộc ngoại tệ từ thương mại.

Trong ngắn hạn, tỉ giá USD/VND đã có bước tăng mạnh, hiện tại đang quanh mức giá 25.800 đồng (+0,62% so với phiên trước và tăng 1,37% kể từ đầu năm).

"Chúng tôi cho rằng, tỉ giá vẫn sẽ chịu áp lực và có thể tiến sát mốc 26.000 đồng. Các dòng vốn giải ngân FDI có thể chậm lại trong giai đoạn chờ đợi kết quả đàm phán", PHS nhận định.

Các chuyên gia của PHS cho rằng, thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ chịu nhiều áp lực trong ngắn hạn, ít nhất là đến khi thuế quan chính thức có hiệu lực (9.4). Nhưng các chuyên gia của PHS vẫn tin vào chính sách ngoại giao tốt của Việt Nam cùng với sự chủ động của Chính phủ sẽ giúp Việt Nam sớm đạt được thỏa thuận tốt hơn về chính sách thuế.

Đà sụt giảm mạnh của chỉ số đã khiến cho các chỉ số định giá của thị trường chứng khoán về mức rất hấp dẫn, thậm chí mức sụt giảm trong ngày gần như tương đương với đợt giảm vì COVID -19 – giai đoạn mà kinh tế phải “lock-down”.

Các chuyên gia của PHS cho rằng, các nhóm ngành bị ảnh hưởng mạnh sẽ là bất động sản khu công nghiệp, dệt may, thủy sản, trong khi các nhóm ngành còn lại ít chịu tác động hơn và mức chiết khấu hiện tại mở ra cơ hội tích lũy dài hạn cho các nhà đầu tư trên thị trường.

Công ty Chứng khoán MBS thì đưa ra nhận định, mức thuế suất đối với từng mặt hàng vẫn chưa được công bố. Tác động đến các ngành nghề sản xuất sẽ khác nhau phụ thuộc vào tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ trong tổng giá trị xuất khẩu cũng như các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong cùng phân khúc. Bên cạnh đó, một số mặt hàng còn có hiệu lực về mức thuế cam kết được áp dụng theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực tháng 12.2001.

Vì vậy, MBS cho rằng các nhóm ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ, bất động sản khu công nghiệp, logistics là những nhóm ngành chịu tác động tiêu cực nhất. Các nhóm ngành cao su, giấy, dây cáp điện,… chịu tác động trung bình do tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp. Trong khi đó nhóm sản phẩm sắt thép không chịu tác động do không nằm trong danh sách sản phẩm chịu thuế đối ứng.

Theo Báo Lao Động

Kỳ vọng gì trên thị trường chứng khoán tháng 5?

Giữa “vùng trũng” thông tin và áp lực vĩ mô, thị trường chứng khoán tháng 5 đặt kỳ vọng vào hệ thống KRX như một bước đệm cho sự minh bạch và ổn định dài hạn.

Video