Tại sao nhà đầu tư chưa bỏ tiền nhiều vào chứng khoán?

Một vấn đề quan trọng của TTCK là tính minh bạch để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trong việc sinh lợi và an toàn. Tới đây, vấn đề này sẽ được các nhà quản lý TTCK Việt Nam thực hiện triệt để.

[caption id="attachment_8740" align="aligncenter" width="700"]Ảnh minh họa Ảnh minh họa[/caption]

Đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN và tăng tính minh bạch

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), hiện nhiều người vẫn quan niệm thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi kiếm tiền chứ không phải là nơi giữ tiền. Bên cạnh đó, việc ấn định lãi suất thực dương, cộng với việc đánh thuế lợi nhuận từ đầu tư vốn nhưng không đánh thuế tiền gửi tiết kiệm khiến cho dòng vốn chạy vào ngân hàng rồi lại từ ngân hàng chảy vào chứng khoán.

“Còn nhà đầu tư mua cổ phiếu để lấy cổ tức gửi ngân hàng lấy lãi chưa đúng với bản chất của thị trường vốn”, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn dại biểu Quốc hội chia sẻ.

Chính những đặc thù trên làm cho dòng tiền vào TTCK không được lâu dài, thị trường mang tính đầu cơ quá lớn. Đầu cơ là quan trọng để TTCK sôi động nhưng không thể gây bong bóng thị trường. Do vậy, tới đây những khiếm khuyết của TTCK Việt Nam sẽ được các nhà quản lý chỉnh sửa, bổ sung và hoàn chỉnh để TTCK là kênh dẫn vốn trung, dài hạn đúng nghĩa.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Việt Nam muốn phát triển kinh tế nhanh, GDP tăng 8-10% như trong 30 năm qua thì việc phát triển, cải cách TTCK là mấu chốt; không thể để một thị trường vốn mà trái phiếu Chính phủ bán ra có đến 90% người mua là các ngân hàng như hiện nay.

Vấn đề quan trọng nhất để phát triển TTCK , theo các chuyên gia kinh tế, cần định dạng vị trí, vai trò của TTCK trong nền kinh tế. “Nhật Bản đã phải mất 15 năm để tái cấu trúc TTCK và xác lập vị trí của TTCK là kênh dẫn vốn chính trong nền kinh tế”, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết.

Do vậy, việc tăng quy mô của TTCK là vấn đề không phải bàn cãi. Muốn tăng quy mô thì phải hút được vốn và tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Theo quan điểm của ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nguồn tiền đầu tư vào TTCK là dòng vốn thông minh. Vì vốn chỉ đổ vào những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, minh bạch, đảm bảo lợi ích cho cổ đông. Để hút vốn, các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau bằng việc liên tục cải tiến, sáng tạo, thay đổi quản trị công ty theo chuẩn mực quốc tế…

Còn vấn đề của TTCK là minh bạch. Theo ông Trần Du Lịch: “Khi nào TTCK chưa tạo ra một sân chơi fair-play thì đó là quản lý tồi và khó có thể hút vốn vào thị trường”.

Phải khắc phục điểm yếu của TTCK hiện nay là vẫn chưa phát triển mạnh các quỹ đầu tư, các quỹ hưu trí để tạo sự đầu tư chuyên nghiệp, mà có quá nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, dễ bị tác động tâm lý bầy đàn, ông Lịch nhấn mạnh.

Vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước để tạo thêm hàng hóa cho nhà đầu tư cũng rất quan trọng. Ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, cần phải bỏ mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là thu hồi vốn, bán giá cao mà phải xác định đó là chuyển đổi sở hữu và đổi mới quản trị doanh nghiệp. Còn ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, Chính phủ phải thoái vốn toàn bộ tại những doanh nghiệp, ngành nghề không quan trọng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vẫn 70%-80% thì cũng chỉ là “bình mới, rượu cũ”.

“Chính điều này khiến cho tỷ lệ bình quân đấu giá thành công đang giảm sút. Nếu năm 2011 tỷ lệ này là 54%, đến năm 2014 là 68%, nhưng những tháng đầu năm 2015 giảm mạnh chỉ còn 25%”, ông Dũng nhấn mạnh.

Vấn đề nữa là việc các doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng không niêm yết cũng vô tác dụng. Dù Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định, doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa thành công phải niêm yết trong vòng 12 tháng, nhưng nhiều doanh nghiệp không tuân thủ, vì mức phạt chỉ 100-150 triệu đồng khiến doanh nghiệp “nhờn”. Bên cạnh đó, lượng cổ phiếu được phép giao dịch không lớn nên rất khó để nhà đầu tư bỏ tiền vào đầu tư.  Do vậy, cần phải cởi bỏ những trở ngại trên để dòng vốn thông minh tìm đến TTCK.

Sẽ nới room cho nhà đầu tư ngoại

Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, trong 15 năm qua các doanh nghiệp niêm yết đã huy động vốn trên sàn rất lớn với tổng số vốn là 1,8 triệu tỷ đồng. Tốc độ huy động vốn trên sàn trong 5 năm gần đây (2010-2015) tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 5 năm trước (2005-1010). Có những doanh nghiệp tăng quy mô vốn tới 18-20 lần trên sàn. TTCK không chỉ khơi thông dòng vốn trong nước mà còn huy động vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2009, tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài là 6,3 tỷ USD, năm 2014 tăng lên mức 13,5 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2009. Quy mô của TTCK có giai đoạn lên tới 43% GDP, nhưng hiện nay là còn khoảng 38% GDP, tương đương khoảng 57 tỷ USD. Đã có rất nhiều các tổng công ty và tập đoàn lớn như: Tập đoàn Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, Vinamilk, Vietnam Airlines, Vinatex, Vietcombank… Sau niêm yết, phần lớn các doanh nghiệp đều đạt hiệu quả kinh doanh và quản trị công ty tốt hơn, thông tin doanh nghiệp ngày càng trở nên minh bạch.

Theo ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), thị trường tài chính phát triển trên hai trụ cột chính là thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Đến nay, thị trường tiền tệ Việt Nam vẫn đóng vai trò chủ đạo và quan trọng trong việc huy động vốn cho cả nền kinh tế, trong đó các ngân hàng và tổ chức tín dụng giữ vị trí then chốt.

Tổng vốn huy động bình quân hàng tháng năm 2014 của các ngân hàng và tổ chức tín dụng đạt khoảng 4,7 triệu tỷ đồng, cung ứng khoảng 3,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế. Các số liệu cho thấy cán cân huy động vốn hiện nay giữa thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán đang nghiêng đáng kể về thị trường tiền tệ.

 Bên cạnh những nguyên nhân mang tính lịch sử như thói quen gửi tiết kiệm của nhà đầu tư, sự phát triển lâu đời của hệ thống ngân hàng…, cũng cần nhìn nhận những hạn chế của thị trường chứng khoán khi các công cụ đầu tư, giao dịch và phòng ngừa rủi ro trên thị trường vẫn còn hạn chế, quy mô thị trường tuy có sự tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn chưa đủ lớn trong mối tương quan với các thị trường trong khu vực, thanh khoản thị trường chưa đủ sâu, các quy định về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đã hạn chế sự tham gia của các đối tượng này vào thị trường….

Tới đây, Nghị định 60 của Chính phủ cho phép nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% ở những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ. Bên cạnh đó, thời gian giao dịch cũng được rút ngắn xuống còn T+0, giúp nhà đầu tư có thể mua bán chứng khoán trong ngày. Đây sẽ là những yếu tố kỳ vọng sẽ tạo nên một làn sóng vốn ngoại đổ vào TTCK, tạo tính thanh khoản cho thị trường.

Hoàng Anh

Tags:

Ba mô hình sàn giao dịch vàng phổ biến toàn cầu

Các sàn giao dịch vàng trên thế giới hoạt động đa dạng với cơ chế giám sát chặt chẽ, từ giao dịch vàng vật chất đến tài khoản và phái sinh. Mỗi mô hình có đặc điểm riêng nhưng đều hướng tới minh bạch, hiệu quả và bảo vệ nhà đầu tư.

Giá vàng hạ nhiệt: Cơ hội hay rủi ro?

Sau thỏa thuận Mỹ - Trung, giá vàng thế giới bước vào chu kỳ điều chỉnh ngắn hạn, trong khi thị trường vàng Việt Nam vẫn chịu áp lực chênh lệch cao, đòi hỏi nhà đầu tư cân nhắc chiến lược thận trọng.

Video