Sứ mệnh của doanh nghiệp là giúp người nông dân trở nên chuyên nghiệp
![]() |
Ông Nguyễn Hữu Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại nông sản thực phẩm Trí Việt |
Với tư duy này, ông Nguyễn Hữu Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại nông sản thực phẩm Trí Việt đang mở rộng các nhà máy chế biến nông sản và thức ăn chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Xóa bỏ giới hạn mùa vụ
Vốn là dân trong ngành Luật nhưng ông Nguyễn Hữu Trí lại nhìn thấy tiềm năng rất lớn từ chế biến nông sản Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. “Thực phẩm trong nước hiện đang nhập khẩu lượng nguyên liệu rất lớn để chế biến, đa số trong đó là các sản phẩm hóa chất. Trong khi đó thực phẩm tươi sống tại chỗ rất nhiều nhưng việc bảo quản, chế biến chưa được thực hiện tốt nên nông sản Việt chưa thu được giá trị cao”, ông Trí nhìn nhận.
Nghĩ là làm. Ông Trí đã tìm tới các vùng nguyên liệu để tự tìm hiểu chất lượng, ký kết hợp đồng thu mua, thậm chí ở nhiều nơi ông đã chủ động gia nhập vào các hợp tác xã sản xuất để gắn bó với người nông dân địa phương. Khi được hỏi đã “bể kèo” nào với các giao dịch với người nông dân chưa, ông Trí bộc bạch: “Có chứ, nhưng tôi nghĩ một trong những sứ mệnh của doanh nghiệp cũng là phải đào tạo người nông dân chuyên nghiệp lên. Họ chuyên nghiệp thì mới gắn bó và làm ăn lâu dài được. Mục tiêu cuối cùng là có được sản phẩm công nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp mà thị trường này còn rộng lớn lắm, họ thấy được mình đảm bảo được đầu ra thì dần cũng sẽ đảm bảo được vùng nguyên liệu theo ký kết”.
Từ suy nghĩ đó, ông đã mày mò cùng đội ngũ cán bộ của mình để cho ra công nghệ chế biến các sản phẩm nông sản dưới dạng bột, sấy dẻo, nước cốt. Hàng chục sản phẩm từ xoài, thanh long, rau má, dứa, táo, trà đen, trà xanh… đã ra đời đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, với công nghệ chế biến cho ra sản phẩm ở dạng hoàn nguyên lên đến hơn 90% giá trị tươi sống như ban đầu, các sản phẩm này đã xóa bỏ giới hạn thời vụ của hàng nông sản tươi sống và đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của thị trường.
Các sản phẩm này ban đầu được tiêu thụ tại thị trường nội địa qua các kênh tiêu dùng và làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thực phẩm. Bột trái cây Trivie mới ra mắt thị trường từ năm 2017 nhưng đã dần chiếm đwược niềm tin của người tiêu dùng với 3 không: Không hoá chất bảo quản, Không hương liệu, Không màu nhân tạo. Sảm phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên này đã được phân phối tại các trang thương mại điện tử nổi tiếng như Tiki, Lazada,.. Hệ thống chung cư cao cấp, Hệ thống các cửa hàng nguyên liệu bánh, các đại lý, cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc…
Sự tự nhiên thuần chất của các sản phẩm này đã thu hút được nhiều khác hàng quốc tế như Trung Quốc, Nhật,Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Nga, EU, Mỹ… Chỉ riêng dòng bột trái cây mỗi năm doanh nghiệp này cũng tiêu thụ khoảng 15 ngàn tấn với giá trị mỗi tấn lên đến 400 triệu đồng.
![]() |
Bột Thanh Long xuất khẩu sang Hàn Quốc ngày 17/3 vừa qua của công ty Trí Việt. |
Cơ hội cho doanh nghiệp chế biến
Ông Trí kể: “Mới đây có đơn hàng của Trung Quốc yêu cầu cung cấp 2.400 tấn bột mỗi tháng nhưng tôi không nhận vì năng lực sản xuất của mình chưa đáp ứng. Thú thực, mở cửa ra thị trường thế giới lại không khó bằng mở cửa vào hệ thống sản xuất nông nghiệp qui mô lớn, công nghệ cao ở Việt Nam”.
Ông Trí chia sẻ, tiếp cận quỹ đất làm vùng nguyên liệu, vốn dành cho các dự án nông nghiệp rất khó. “Tôi đã thấy nhiều dự án giao đất nông nghiệp không đúng đối tượng nên nhận đất xong chỉ đợi bán lại dự án. Nếu người sản xuất nông nghiệp thuê được 50 năm thì ngân hàng cũng không đồng ý cho cầm cố để lấy vốn sản xuất vì đó là đất đi thuê”.
Câu chuyện của doanh nghiệp Trí Việt đang khá điển hình cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành chế biến, một lĩnh vực đầy tiềm năng của nông nghiệp hiện nay. Riêng với ngành hàng rau quả, nếu như năm 2012 mới xuất khẩu được 1 tỷ USD thì năm 2020 đã đạt gần 4 tỷ USD. Điểm nhấn của ngành hàng rau quả không chỉ là ngày càng có nhiều loại trái cây của Việt Nam được thị trường thế giới ưa chuộng mà còn nở rộ các dự án chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, chế biến sâu trong ngành trồng trọt là một xu thế tất yếu, bởi chế biến sâu sẽ tạo thêm được thị trường.
Chỉ tính riêng trong năm 2020, ngành nông nghiệp có 16 dự án chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản được triển khai với tổng vốn đầu tư khoảng 17.300 tỷ đồng. Tính chung, trong 4 năm qua đã có 67 nhà máy hoạt động trong lĩnh vực này được đưa vào hoạt động. Ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2030, sản phẩm nông nghiệp chế biến chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành và dần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có sản phẩm nông nghiệp được chế biến chiếm tỷ trọng lớn.
Rõ ràng, xu thế chế biến sâu nông sản để đáp ứng nhu cầu thị trường là không thể cưỡng lại. Tuy nhiên việc bắt kịp xu hướng đến đâu để nắm bắt cơ hội của thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế vẫn đòi hỏi các chính sách dành cho chế biến nông sản cần phải cập nhật hơn nữa mới có thể làm động lực cho các doanh nghiệp chế biến – một mắt xích quan trọng để nâng cao giá trị nông sản cho người nông dân.