SCIC sẽ rút kinh nghiệm trong các lần bán vốn sau tại Vinamilk
SCIC nhận thấy, qua đợt chào bán vừa qua đã bộc lộ một số bất cập về cơ chế bán vốn nhà nước ở doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài vốn quen thuộc với các thông lệ quốc tế là không có việc phải đặt cọc mua cổ phần với giá trị bằng 10% giá trị đặt mua và cơ chế đấu giá.
Cuối cùng, SCIC cũng hoàn tất đợt 1 bán vốn tại Vinamilk (VNM) vào 12/12 vừa qua tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc bán vốn này nhiều người cho rằng là một thành công khi mà trong điều kiện thị trường trong nước và quốc tế nhiều biến động như hiện nay vẫn đạt giá trị giao dịch lên đến 500 triệu USD, là giao dịch cao nhất toàn Đông Nam Á trong năm 2016. Đây cũng là một trong số ít giao dịch có giá bán cổ phần cao hơn giá thị trường, thu hút được dòng vốn ngoại lớn bổ sung vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhưng nhiều người, nhất là những nhà đầu tư tài chính lại chưa thỏa mãn với kết quả kỷ lục 2016 này. Họ cho rằng, với tiềm năng của Vinamilk mà cuối cùng thực chất chỉ có 1 nhà đầu tư với 2 pháp nhân đăng ký mua cổ phần thì khâu bán vốn cần phải rút kinh nghiệm rất nhiều.
Sau một tuần kể từ ngày bán vốn hoàn tất, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đã nhận thấy rằng có nhiều điểm cần rút kinh nghiệm. SCIC cho biết, để giới thiệu về Vinamilk đến các nhà đầu tư quốc tế, SCIC, Vinamilk và Liên danh tư vấn (gồm Morgan Stanley, Vinacapital và SSI) đã tổ chức các buổi gặp gỡ nhà đầu tư tiềm năng tại Singapore, HongKong, London. Các thông tin về doanh nghiệp cũng như về đợt chào bán đều được công bố công khai, rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên, do mức giá khởi điểm được xác định cao hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán nên không thu hút được các nhà đầu tư tài chính tham gia.
SCIC cũng nhận thấy, qua đợt chào bán vừa qua đã bộc lộ một số bất cập về cơ chế bán vốn nhà nước ở doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài vốn quen thuộc với các thông lệ quốc tế là không có việc phải đặt cọc mua cổ phần với giá trị bằng 10% giá trị đặt mua và cơ chế đấu giá. Đối với việc đặt cọc, mặc dù SCIC đã rất tích cực trong việc làm việc với các bên liên quan để đưa ra thêm hình thức ký quỹ bằng đồng USD bên cạnh hình thức đặt cọc bằng VND, nhưng thủ tục ký quỹ bằng USD vẫn là phức tạp đối với các nhà đầu tư nước ngoài ít có kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam, do đó chưa thực sự khuyến khích được nhà đầu tư sử dụng.
Về phương thức bán cổ phần, các giao dịch tương tự ở nước ngoài được thực hiện theo phương pháp dựng sổ thay vì đấu giá, phương thức này ghi nhận tổng hợp nhu cầu của các nhà đầu tư, từ đó xác định cơ cấu, khối lượng, giá bán một cách tối ưu ngay cả trong điều kiện thị trường bất lợi theo nhu cầu thực tế của thị trường. So với chào bán cạnh tranh thì phương thức dựng sổ phù hợp hơn với nhu cầu của các nhà đầu tư là tổ chức lớn về thủ tục đơn giản, bảo mật thông tin đặt mua của nhà đầu tư và đảm bảo các nhà đầu tư đều được mua ở cùng một mức giá.
Rút kinh nghiệm từ đợt bán cổ phần lần này để thực hiện các đợt bán cổ phần nhà nước quy mô lớn các lần sau hiệu quả và thành công hơn, SCIC sẽ tổng hợp kết quả bán vốn, phản hồi của thị trường và các đơn vị tư vấn để báo cáo và kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản pháp luật cho phép các cơ chế bán cổ phần linh hoạt và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế như bỏ quy định về đặt cọc, nghiên cứu luật hóa phương thức dựng sổ, ...
Theo Trí thức trẻ