Rao bán lần 3, Agribank liệu đã giải phóng được dự án đắp chiếu V-Ikor?
Đây là lần thứ 3 Agribank AMC đem đấu giá tòa cao ốc V-Ikor của chủ đầu tư Việt Thuận Thành và giá đã giảm khoảng 20% so với lần đầu tiên chào.
[caption id="attachment_71074" align="aligncenter" width="650"]
Giảm giá, kiên trì rao bán
Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng Agribank (Agribank AMC) vừa có thông báo sẽ bán đấu giá tài sản đảm bảo là toàn bộ tài sản và quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 129 A – 131 – 131 A – 133 – 135 A – 153/33 Đường Điện Biên Phủ, Phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Phiên đấu giá dự kiến sẽ tổ chức vào 9h30 sáng ngày 27/10/2017 tại Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá TP HCM với giá khởi điểm 299,052 tỷ đồng.
Để tham gia đấu giá, nhà đầu tư phải đặt cọc trước 15% so với giá khởi điểm tương đương khoảng 45 tỷ đồng. Phí tham gia đấu giá là 500 nghìn đồng.
Dự án cao ốc V-Ikon toạ lạc tại số 129 A - 131 - 131 A - 133 - 135 A - 153/33 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM. Quy mô dự án có diện tích 1.106m2, bao gồm toà nhà cao 26 tầng và 4 tầng hầm, nhằm cung cấp diện tích văn phòng cho thuê khoảng 11.000 m2.
Dự án được thiết kế độc đáo với hình chữ V cao 125,8 m, tượng trưng cho Việt Thuận Thành, có sân đáp máy bay trực thăng và đài quan sát thiết kế theo tài liệu của Hiệp hội hàng không Hoa Kỳ. Đây sẽ là cao ốc văn phòng hạng A theo tiêu chuẩn quốc tế với tính năng của một tòa nhà thông minh và là một trong số rất ít những cao ốc văn phòng có sân đáp máy bay trực thăng.
Công ty TNHH Việt Thuận Thành dự kiến đưa tòa cao ốc này vào hoạt động trong năm 2013, nhưng suốt nhiều năm qua, dự án này vẫn “án binh bất động”, chưa hoàn thiện do chủ đầu tư thiếu vốn triển khai.
Được biết, nhiều năm qua dự án này bị bỏ hoang và ngân hàng Agribank chi nhánh Sài Gòn đã phải thu giữ để xử lý khoản nợ.
Đáng chú ý, tài sản này đã được Agribank AMC rao bán lần này là lần thứ 3. Trước đó hồi tháng 5 công ty đã chào bán với giá khởi điểm 373,5 tỷ đồng nhưng không thành công, rồi đến tháng 9 giảm 54 tỷ xuống 319,5 tỷ đồng nhưng lại tiếp tục không có người đăng ký mua. Như vậy giá chào bán lần này đã thấp hơn khoảng 20% so với giá ban đầu.
Thực tế việc xử lý tài sản của các ngân hàng giờ đây đã thông thoáng hơn nhờ các quy định mới. Tuy nhiên các ngân hàng cho biết họ vẫn trầy trật thu giữ tài sản cũng như rất khó bán đấu giá.
Agribank cũng có nhiều tài sản khác chuẩn bị bán đấu giá thu hồi nợ.
Vì sao tài sản “dính” nợ xấu khó bán?
TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, ngân hàng nào bán tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu là quá dũng cảm, vì điều này liên quan đến lãi dự thu của ngân hàng. Nghị quyết 42 của Quốc Hội về xử lý nợ xấu đã tháo gỡ vấn đề này, cho phép ngân hàng hạch toán dần lãi dự thu đó trong vòng 10 năm để bảng cân đối tài sản không xấu.
Theo Nghị quyết 42, ngân hàng có quyền thu hồi tài sản thế chấp khoản vay là nợ xấu để phát mãi, nếu chủ tài sản không hợp tác thì tòa án sẽ có biện pháp xử lý đứt đoạn, nhanh. Như thế mới giải quyết rốt ráo đống nợ xấu. Còn trước kia thì ngân hàng không dám đụng vào dù là tài sản của họ.
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2017, Công ty Quản lý Tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ xử lý được 23.000-25.000 tỷ đồng nợ xấu, chiếm khoảng 10% tổng số nợ xấu mà VAMC đang nắm giữ là 230.000 tỷ đồng.
Với tỷ lệ khoảng 70% nợ xấu được đảm bảo bằng bất động sản, có đến 161.000 tỷ đồng giá trị bất động sản mà VAMC đang nắm giữ và sẽ được thanh lý trong thời gian tới.
Trước đó, “phát súng” đầu tiên đã được khai hỏa là việc VAMC tiến hành thu giữ và sẽ đem đấu giá công khai dự án cao ốc Saigon One Tower (quận 1, TP HCM), vì chủ đầu tư không trả được nợ ngân hàng gần 7.000 tỷ đồng (gốc và lãi).
Tiếp đến là việc Agribank bán đấu giá cao ốc văn phòng V-Ikon lần này. Agribank cũng có nhiều tài sản khác chuẩn bị bán đấu giá thu hồi nợ. Riêng Agribank chi nhánh Gia Định ngày 23/10 sẽ tổ chức bán đấu giá tổng cộng 14 tài sản với tổng giá khởi điểm lên đến 326,2 tỷ đồng trong đó tài sản lớn nhất là 105 tỷ đồng.
Theo một số ý kiến, một trong những nguyên nhân khiến tài sản bất động sản “dính” nợ xấu khó “giải phóng” là thủ tục sang tên tài sản mất vài năm, tốn kém chi phí. Bên cạnh đó, nhà đầu tư mới nếu muốn chỉnh sửa thiết kế hay công năng của dự án bất động sản rất khó. Ngay như việc tòa nhà 20 tầng xin lên 21 tầng đã khó chưa nói đến 20 tầng giảm còn 19 tầng…
Hay một tài sản là bất động sản "dính" nợ xấu đang thế chấp ngân hàng, nhưng tài sản đó lại đang cho một bên thứ 3 thuê làm bãi giữ xe, thời hạn hợp đồng 2 năm, nếu vì lý do gì đó hợp đồng cho thuê này kéo dài hơn 2 năm thì người muốn mua bất động sản này lâm vào thế khó.
Nhà đầu tư trong nước còn khó xử, nhà đầu tư nước ngoài không biết làm thế nào. Đây có thể là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho một dự án “đắp chiếu” giảm giá đến lần thứ 3 được đưa bán đấu giá mà kết quả vẫn đang ở mức kỳ vọng sẽ bán thành công.