Phấp phỏng nhập siêu

Một thực tế rất rõ ràng, nhập siêu đã quay trở lại và con số là không hề nhỏ với 1,81 tỷ USD tính đến giữa tháng 3/2017. Điều này có thể khiến các nhà điều hành kinh tế sẽ phải phấp phỏng cả năm.

Theo con số được Tổng cục Hải quan công bố mới đây, tính đến ngày 15/3/2017, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt hơn 35,22 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong cùng thời điểm, kim ngạch nhập khẩu lại lên tới hơn 37,03 tỷ USD, nghĩa là, chỉ trong 2,5 tháng đầu năm, cán cân thương mại của Việt Nam đã thâm hụt khoảng 1,81 tỷ USD.

Nhập siêu liệu có đáng lo?

Nhập siêu đã chính thức quay trở lại với Việt Nam, sau một năm 2016 xuất siêu tới 2,5 tỷ USD và tiếp tục với 1,15 tỷ USD trong tháng đầu tiên của năm 2017. Như thường lệ, hễ có dấu hiệu nhập siêu là sẽ có lời cảnh báo từ các chuyên gia kinh tế, bởi đó là biểu hiện cho thấy những bất ổn của cán cân vĩ mô. Bởi nhập siêu sẽ dẫn đến thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, khiến dự trữ ngoại hối giảm, gây áp lực lên tỷ giá… Chưa hết quý đầu năm, nhập siêu đã ở mức 1,81 tỷ USD là khá cao. Con số này hiện bằng hơn 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu tính toán một cách thuần túy, tỷ lệ này đã cao hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra là kiềm chế nhập siêu ở mức 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm nay. Xét trên khía cạnh này, nhập siêu tất nhiên là điều đáng lo.

Mặc dù vậy, khi nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam, TS. Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế cho rằng, chưa nên quá vội lo lắng ở vào thời điểm này. Ông lý giải, trong những tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp đã nhập khẩu ồ ạt máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hơn là xuất khẩu hàng hóa.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong số 10 mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong vòng hơn 2 tháng qua, tỷ trọng lớn nhất vẫn thuộc về máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm 17,1%, với 6,36 tỷ USD). Đứng thứ hai là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm tỷ trọng 16,1%, với 5,96 tỷ USD; thứ ba là điện thoại và linh kiện các loại (6,3% với 2,333 tỷ USD)…

Nhập khẩu các loại sắt thép, vải, chất dẻo nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may… cũng đều chiếm tỷ trọng cao và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đây đều là các loại hàng hóa phục vụ cho sản xuất - kinh doanh và đầu tư.

Bình luận về con số này, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng đồng tình rằng, ở một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu nhập khẩu như Việt Nam thì xuất siêu chưa hẳn là đáng mừng mà nhập siêu chưa hẳn đáng lo.

“Trong trường hợp này, nhập khẩu nhiều là để phục vụ sản xuất, là dấu hiệu cho thấy sản xuất sẽ phục hồi trong thời gian tới”, ông Bùi Trinh nói.

Đúng là nếu nhìn vào chỉ số sản xuất PMI tháng 2/2017 được công bố cách đây ít lâu, PMI của Việt Nam đã tăng lên mức cao kỷ lục kể từ tháng 5/2015 là 54,2 và cũng tăng đáng kể so với mức 51,9 của tháng 1/2017. Đây là chỉ dấu cho thấy, sản xuất - kinh doanh những tháng tiếp theo sẽ được cải thiện. Nếu thực sự chỉ nhập siêu để phục vụ sản xuất, đó không phải là điều đáng quan ngại.

Góc khuất đằng sau những con số thống kê

Dù dựa trên các số liệu thống kê, các chuyên gia kinh tế cho rằng, 1,81 tỷ USD nhập siêu trong những tháng đầu năm “chưa là gì cả”, song vẫn lại có những “góc khuất” đằng sau các con số thống kê khiến dư luận lo ngại.

Nói đúng hơn, đó là phần bên dưới của tảng băng đang “bảy nổi, ba chìm”. Dù là một nước nông nghiệp, nhưng Việt Nam đang “chảy máu” một lượng ngoại tệ không nhỏ để nhập khẩu rau quả từ nước ngoài, mà chủ yếu là từ Trung Quốc và Thái Lan.

Theo thông tin của Bộ Công Thương, chỉ riêng thị trường Trung Quốc và Thái Lan đã chiếm tới 70% kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam. Cụ thể, rau củ quả nhập từ Thái Lan 2 tháng đầu năm lên đến 82,6 triệu USD, chiếm hơn 50% giá trị nhập khẩu rau quả cả nước; rau quả nhập từ Trung Quốc trị giá 31,6 triệu USD, chiếm hơn 19%.

Chưa nói tới câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm, dư luận thực sự sửng sốt khi biết rằng, mỗi ngày trung bình Việt Nam đã chi khoảng 2 triệu USD để nhập khẩu rau quả từ các quốc gia láng giềng. Và các mặt hàng nhập khẩu từ các thị trường này cũng chủ yếu là các loại xoài, mãng cầu, me (Thái Lan), bắp cải, xà lách, khoai tây, cam, táo... (Trung Quốc). Đã đành điều kiện khí hậu, thời tiết không ổn định, nhưng Việt Nam là quốc gia nông nghiệp có rất nhiều tiềm năng trong phát triển trồng trọt, canh tác… nên những sản phẩm nêu trên Việt Nam hoàn toàn có thể tự cung tự cấp được.

Một câu chuyện khác. Mấy ngày nay thông tin gây xôn xao dư luận, đó là kể từ đầu năm tới nay khoảng gần 3.000 tấn thịt đã được nhập từ Brazil về Việt Nam, mặc dù sau những thông tin liên quan tới thịt bẩn ở thị trường này cơ quan chức năng Việt Nam đã cấm nhập khẩu thịt từ Brazil.

Bên cạnh mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực tế này còn cho thấy, nguy cơ các ngành chăn nuôi, sản xuất trong nước bị đe dọa là không hề nhỏ. Chưa kể, không thiếu thông tin về việc, thịt bò Úc, thịt bò Mỹ, rồi gà Mỹ… nhập khẩu được bán nhan nhản trên thị trường với giá khá rẻ và cũng có những vi phạm về hàm lượng chất bảo quản, an toàn thực phẩm khiến sản phẩm trong nước khó lòng cạnh tranh.

Cùng với đó, Aeon vừa công bố việc sẽ xây dựng một AEON MALL thứ hai ở Hà Đông (Hà Nội), đồng thời cũng đang tìm kiếm cơ hội để xây dựng một AEON MALL ở Hải Phòng. Đó là một tin mừng đối với việc thu hút đầu tư với người tiêu dùng Việt, nhưng lại là một tin không vui đối với các ngành sản xuất trong nước. Sự bành trướng các trung tâm thương mại của người Thái, người Nhật giờ đây đang mở ra cánh cửa rất lớn cho hàng ngoại xâm nhập vào Việt Nam, thị trường vốn lâu nay vẫn được nói tới với cụm từ “đến cả cái tăm cũng phải nhập” và có thể sắp tới sẽ nhập khẩu cả trứng gia cầm, muối. Bằng chứng là Bộ Công Thương vừa thông qua hạn ngạch về việc nhập khẩu các mặt hàng này về Việt Nam trong năm 2017.

“Hàng Thái, hàng Nhật đã chờ sẵn ở ngoài biên giới, nếu không có sự chuẩn bị chúng ta sẽ bị thua ngay trên sân nhà”, GS-TSKH. Nguyễn Mại cảnh báo.

Đúng là nếu chỉ xét trên khía cạnh thống kê, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng là không đáng kể so với kim ngạch nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất. Và điều này cũng sẽ khiến đôi khi dư luận lơ là, song từ những góc khuất đằng sau các con số thống kê đó, mấy ai không xót xa, lo lắng!

Phấp phỏng với nhập siêu

Thực ra, nếu so với giai đoạn 2007-2008, khi nhập siêu luôn ở mức trên 10 tỷ USD thì sự cân bằng, thậm chí là thặng dư thương mại của Việt Nam những năm gần đây có thể nói là một tín hiệu tích cực.

Nhưng TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đã nhiều lần chỉ ra rằng, những con số xuất siêu ấy có thể lại là do sự đình trệ trong sản xuất. Và vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, một khi nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao như trước đây, nhập siêu lớn sẽ quay trở lại. Lý do đơn giản thôi, cơ cấu kinh tế của Việt Nam chưa được cải thiện nhiều, dù công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế đã được khởi động từ lâu.

Số liệu thống kê xuất nhập khẩu những tháng đầu năm nay cho thấy, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu. Và vì thế, dù có xuất siêu đi nữa thì cũng không bền vững. Nhập siêu có thể quay trở lại vào bất cứ lúc nào, khi nền kinh tế ấm lên. Thực tế hiện nay cho thấy nhập siêu đã đang quay trở lại.

Không phải ngẫu nhiên mà khi xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, dù mấy năm gần đây, xuất siêu luôn hiện diện, song các nhà hoạch định chính sách lúc nào cũng đưa ra các mục tiêu về kiểm soát nhập siêu. Mục tiêu năm nay là kiềm chế nhập siêu ở mức 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong các cuộc giao ban về tình hình sản xuất - kinh doanh hàng tháng, hàng quý ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn có một câu hỏi rằng, liệu nhập siêu năm nay sẽ ra sao. Điều đó cho thấy, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn phải phấp phỏng với nhập siêu trong năm nay và cả nhiều năm sau nữa, nếu như cơ cấu kinh tế vẫn mãi không thay đổi, vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Bao giờ câu hỏi "nhập siêu có đáng lo" mới không còn là ám ảnh nền kinh tế Việt Nam?

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video