Nỗi lo đằng sau những con số

Nếu chỉ thuần túy nhìn vào các con số thống kê, kinh tế Việt Nam đang có được những thành tựu đáng ghi nhận sau một thời gian dài tăng trưởng chậm. Nhưng đằng sau những con số thống kê đẹp đẽ đó lại là không ít nỗi lo.

BCTC

Một cách công bằng thì với tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến đạt trên 6,5% trong năm nay, lạm phát chỉ khoảng 2%, thậm chí thấp hơn, thu nhập bình quân đầu người 2.228 USD/năm, 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch… thì kinh tế Việt Nam đã có một năm thành công. Kinh tế đang phục hồi rõ nét hơn. Có điều, có thể hoàn toàn vui mừng vì điều đó chưa thì chắc chắn là chưa. Vẫn có nhiều câu hỏi cần được đặt ra và trả lời thỏa đáng.

Hệ thống ngân hàng “sạch” đến đâu?

Báo cáo trước Quốc hội cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đến tháng 9/2015, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng giảm chỉ còn còn 2,9%, thay vì ở mức 17,43% hồi tháng 9/2012. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, bởi trước đây, khi Chính phủ đặt mục tiêu đưa nợ xấu về 3% vào cuối năm 2015, không ít ý kiến nghi ngờ về khả năng đạt được mục tiêu này. Thành công này thực tế đã được hệ thống ngân hàng loan báo từ tháng 9/2015, rằng họ “đã hoàn tất bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước hạn”.

Đó là nhìn vào con số thuần túy. Nhưng tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội than rằng, con số đó “ảo quá”! “Nếu đưa về VAMC và “chôn lấp” vào đó thì không thể gọi là giảm tỷ lệ nợ xấu được. Đấy chỉ là tạm thời khoanh nợ chứ không thể nói là xử lý”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói. Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, nợ xấu “thực chất không được xử lý mà chỉ là được khoanh lại và chuyển sang VAMC”.

Và nếu VAMC chỉ mua nợ xấu để tạo ra một bộ mặt “sạch ảo” cho các ngân hàng thì có lẽ chúng ta cũng chưa nên mừng quá sớm. Một cách hình tượng, trên thực tế, việc xử lý nợ xấu qua VAMC chỉ giống như quét rác cả vườn, vun về một chỗ rồi để đấy. Nhưng báo cáo của Chính phủ lại không tính những khoản nợ đã được VAMC mua nên tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh. “Con số xử lý nợ xấu cần phải xem lại”, nhiều ý kiến ĐBQH thống nhất như vậy.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, một thị trường mua – bán nợ quốc gia phải được thiết lập thì mới có thể giải quyết được tận gốc nợ xấu. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu phát triển thị trường mua – bán nợ, củng cố Công ty Mua bán nợ DATC, xây dựng cơ chế cho VAMC để xử lý nợ xấu một cách thực chất. Nhưng từ giờ cho tới lúc ấy, chẳng biết thời gian còn bao xa, và chúng ta vẫn buộc phải chấp nhận một thực tế là hệ thống ngân hàng thương mại trong nước mới chỉ “sạch ảo”.

Nợ công hiện nay có đáng lo?

Không chỉ là nợ xấu, nợ công cũng là một vấn đề đáng quan ngại, cho dù báo cáo của Chính phủ cho thấy, nợ công hiện chỉ ở mức 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5%, vẫn trong giới hạn an toàn theo quy định. “Tôi thì không cho rằng tỷ lệ nợ công bao nhiêu là quan trọng mà quan trọng là hiệu quả sử dụng nợ công và khả năng trả nợ thế nào. Chính phủ báo cáo nợ công được sử dụng phần lớn cho đầu tư công. Nhưng đầu tư công thì tham nhũng, lãng phí đầy ra đấy, do vậy, rất đáng ngại”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn.

Câu chuyện còn nằm ở chỗ, như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói, ngân sách nhà nước đang thiếu hụt trầm trọng. Như năm 2014, sau khi cân đối ngân sách cho địa phương thì chỉ còn 45.000 tỷ đồng. “Số tiền này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ”, Bộ trưởng Vinh than.

Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên thì thốt lên rằng: “Một nền kinh tế mà phải đem tất cả mọi thứ ra để cân đối thu – chi thì rủi ro sẽ rất lớn”. Ông Kiên đã viện dẫn con số rằng 5 năm qua, nợ công tăng bình quân 18%/năm, nhưng tăng trưởng GDP bình quân lại chỉ là 5,88%, để bày tỏ sự lo ngại về việc “nếu không giải quyết cẩn thận vấn đề nợ công thì rất có thể chúng ta sẽ đi theo con đường của Hy Lạp”. Nỗi lo còn lớn hơn khi Chính phủ đang đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ. Trong khi đó, chi thường xuyên quá lớn, thu ngân sách chỉ đủ để chi khoản này, hễ đầu tư là phải đi vay. Bởi thế, nỗi lo ngân sách – nợ công là không nhỏ, cho dù các con số trên báo cáo cho thấy, tỷ lệ nợ công chưa đáng ngại và thu ngân sách năm nay cũng rất tốt.

Kinh tế Việt Nam đang ở đâu?

Có một câu hỏi nữa cần được đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Đó là kinh tế Việt Nam đang ở đâu?

Với tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2015, Việt Nam thậm chí còn được nhiều định chế tài chính nước ngoài đánh giá là một trong những điểm sáng hiếm hoi của kinh tế toàn cầu. Nhưng ông Nguyễn Đức Kiên lại cứ băn khoăn rằng, cái gì làm nên động lực cho mức tăng trưởng kinh tế như vậy? “Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng vẫn chỉ hơn 30% GDP. Số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể vẫn lớn. Trong khi đó, bức tranh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thì cũng chưa có gì rõ nét. Vậy thì vì sao kinh tế lại tăng trưởng đột biến như vậy?”, ông Kiên thắc mắc.

Ngay ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng không hiểu mức tăng trưởng ấy lấy “ở đâu ra”. “Tăng trưởng này có bền vững không, ở đâu ra, nhờ nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng nguồn lực, năng lực cạnh tranh hay vẫn là cách tăng trưởng như cũ dựa vào vốn, đầu tư theo chiều rộng và khai khoáng…”, câu hỏi này cho thấy rằng ngay cả người đứng đầu cơ quan nghiên cứu hàng đầu về kinh tế của cả nước, cũng là một trong những người tham gia hoạch định đề án tái cơ cấu nền kinh tế, chưa tin tưởng vào chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định, 5 năm 2011 – 2015, chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên, với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,42% năm 2010 lên 82,5% năm 2015. Chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) tăng từ 24-25% giai đoạn 2006 – 2010 lên 28,94% giai đoạn 2011- 2015; năng suất lao động tăng bình quân 3,8%/năm, vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn…

Nhưng ông Trương Trọng Nghĩa lại nghi ngờ con số thống kê về TFP. “Có đúng vậy không, vì cơ bản năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp”.

Đây thực tế là điều đã luôn khiến dư luận lo ngại. Năng suất lao động thấp, đóng góp của TFP trong GDP còn quá thấp thì không thể hy vọng chất lượng tăng trưởng cao được. “Cứ nhìn vào các chỉ tiêu kinh tế trong 5 năm qua, tăng trưởng GDP không đạt, vốn đầu tư không đạt, tăng năng suất lao động không đạt, tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao không đạt, tỷ lệ lao động qua đào tạo không đạt…, thì rõ ràng, 5 năm qua, cả số lượng và chất lượng tăng trưởng kinh tế đều không đạt”, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch phân tích.

Thế thì liệu có hy vọng kinh tế Việt Nam sớm bứt phá hay không? Những câu hỏi trên cần có câu trả lời thấu đáo, có giải pháp để giải quyết, từ đó những nỗi lo đằng sau các con số thống kê mới có thể vơi đi phần nào.

Theo Enternews

Tags:

Trung tâm tài chính quốc tế: Nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) của Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh từ định hướng phát triển kinh tế của thành phố gắn liền với phát triển thị trường tài chính là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, gắn với các cơ chế chính sách đặc thù, tầm nhìn dài hạn. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) đã có những chia sẻ với phóng viên.

Video