Dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán
![]() |
Nhà đầu tư nội đang giải ngân mạnh trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Lê Toàn |
Sau khi hóa giải được nút thắt 1.500 điểm, tâm lý nhà đầu tư đã hứng khởi hơn nên tự tin xuống tiền, giúp VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày hôm nay 23.7 tăng hơn 10 điểm. Tuy nhiên, có nhiều nhà đầu tư muốn thực hiện hóa lợi nhuận nên bán ra, gây áp lực khiến VN-Index hạ nhiệt, lùi về gần tham chiếu.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh thị trường hiện nay, cùng với những thông tin tích cực về đàm phán thuế quan giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn được công bố, dòng tiền nhập cuộc giúp VN-Index lấy lại đà tăng. Khi mọi người kỳ vọng VN-Index bay cao hơn nữa, thậm chí lên ngưỡng 1.530 điểm thì bất ngờ chỉ số này lại quay đầu giảm mạnh về tham chiếu.
Kỳ vọng này đã không thành do lực cản của nhóm cổ phiếu họ Vingroup khi cả 3 mã VHM, VRE, VIC có mức giảm mạnh nhất nhóm VN30. Điểm tích cực là VN-Index vẫn giữ được sắc xanh với thanh khoản tăng mạnh.
Đóng cửa phiên 23.7, VN-Index tăng nhẹ 2,77 điểm lên 1.512,31 điểm. Giá trị khớp lệnh trên HoSE tiếp tục ghi nhận giá trị đột biến, đạt khoảng 36.182 tỉ đồng. Về giao dịch khối ngoại, nhóm nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng với giá trị khoảng 106 tỉ đồng trên toàn thị trường.
Về mức độ ảnh hưởng, VPB, VJC, HDB và VNM là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với 4,2 điểm tăng. Ở chiều ngược lại, VHM, VIC, TCB và LPB là những mã vẫn chịu áp lực bán và lấy đi hơn 6,2 điểm từ chỉ số chung.
Các chuyên gia đánh giá, dòng tiền đang rất hào hứng đón kết quả kinh doanh quý II/2025, lựa chọn những ngành tăng trưởng tốt so với cùng kỳ và tiếp tục được hỗ trợ bởi kỳ vọng thị trường chứng khoán tiến gần tới mục tiêu được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, trong đánh giá gần nhất (tháng 3.2025), FTSE ghi nhận nỗ lực của Việt Nam qua việc triển khai mô hình NPF, cải thiện quy trình mở tài khoản và điều chỉnh quy định về tỉ lệ sở hữu nước ngoài. Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng, trong tháng 9.2025, FTSE Russell sẽ công bố quyết định nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market).
Mirae Asset Việt Nam cho rằng, sau khi được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút dòng tiền từ các quỹ lớn như Vanguard FTSE Emerging Markets ETF. Giả sử, với tỉ trọng ước tính khoảng 0,7% (tương đương tỉ trọng đầu tư của FTSE vào một vài thị trường có vốn hóa tương tự Việt Nam), Việt Nam có thể được giải ngân khoảng 581 triệu USD từ Vanguard FTSE Emerging Markets ETF.
Liên quan tới định giá của thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, hai đợt đỉnh gần nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam, P/E đều ở mức trên 20 lần.
Năm 2018, P/E vào khoảng 21 lần, đến 2021 – 2022, P/E khoảng 19 lần. Hiện nay, P/E thị trường mới chỉ khoảng hơn 16 lần, tức vẫn còn cách 20% so với đỉnh. Chưa kể, lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng thêm khoảng 15% trong một năm tới, giúp kéo P/E thấp hơn.
Do vậy, chuyên gia này cho rằng có thể kỳ vọng câu chuyện VN-Index đạt được tối thiểu 1.800 – 1.900 điểm. Chuyên gia này cũng nhận định, FOMO là yếu tố cần chú ý, nhưng thời điểm hiện tại, thị trường vẫn chưa đến đỉnh. Đỉnh của thị trường phải ở mức P/E khoảng 19 – 20 lần.