Nỗ lực thoát "thẻ vàng" của EC
Nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý cùng sự chung tay của doanh nghiệp trong ngành... là những động thái nhằm giành lại “thẻ xanh” cho thuỷ sản khai thác vào lại thị trường EU. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng điều này là cực kỳ khó khăn.

Chuyên gia nói: khó cải thiện
Mặc dù hoạt động xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này hiện vẫn được tiến hành, 9 tháng đầu năm 2017 đã đạt gần 310 triệu USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, “do đã bị thẻ vàng, tần suất kiểm tra các lô hàng hải sản có nguồn gốc từ Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên. Khi đó, khả năng sẽ có nhiều lô hàng bị phát hiện sử dụng nguồn nguyên liệu bất hợp pháp, hay có thể bị phát hiện các vấn đề về an toàn thực phẩm”, bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất Trưởng ban Thương mại và Kinh tế, Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết.
Đặc biệt, sau 6 tháng bị cảnh báo, nếu không giải quyết các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra, Việt Nam có thể đối mặt một trong 3 kịch bản, trong đó xấu nhất là bị "thẻ đỏ". Khi đó, lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào EU sẽ được áp dụng.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Hữu Dũng- Chuyên gia thuỷ sản cho biết, vấn đề về IUU đã được cảnh báo từ cách đây 5-7 năm rồi, nhưng Việt Nam vẫn để bị EC rút “thẻ vàng”. 6 tháng để cải thiện “thẻ vàng” này là rất khó, thậm chí có nguy cơ thuỷ sản khai thác sẽ bị “thẻ đỏ”, bởi những cảnh báo của EC về vấn đề Việt Nam chưa có luật lệ cũng như chế tài quản lý đúng mức về IUU.
Theo ông Dũng, những quy định trong Luật Việt Nam đã có, tuy nhiên chưa rõ nét dẫn đến việc để EC ghi nhận còn khó khăn. Đặc biệt hơn nữa là khó khăn trong thực thi luật. “Chúng ta hiện có hơn 100.000 tàu khai thác, quy mô nhỏ lẻ, rải rác. Vậy các quy định về khai thác thuỷ sản được thực thi thế nào với lực lượng địa phương “gần như bằng 0” như vậy? Nguồn lực con người, tài chính ở đâu để kiểm soát và thay đổi phương thức khai thác của lực lượng tàu cá này?
Cũng theo ông Dũng, trên thực tế cảnh báo của EC sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản phẩm khai thác, việc Việt Nam cần làm là đối mặt với “thẻ vàng” của EC, sử dụng các biện pháp mang tính dài hơi để thay đổi tình trạng này. Tầm nhìn dài hạn phải là lối đi cho các sản phẩm thuỷ sản nuôi, khi mà sản phẩm khai thác bị cấm cửa. Để các sản phẩm thuỷ sản này có thể xuất khẩu vào EU, doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc rõ ràng, là sản phẩm nuôi, được nuôi tại vùng biển nào, điều kiện ra sao...?
… và những nỗ lực từ cơ quan chức năng
Do đó, để tránh rơi vào tình trạng bị “cấm cửa” ở EU, mới đây, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản gửi 7 Bộ ngành, địa phương. Cùng với những hành động quyết liệt của Chính phủ và các Bộ ngành, Luật Thuỷ sản 2017 vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho việc thoát khỏi “thẻ vàng” của EC.
Theo đó, Luật Thủy sản 2017 đã luật hóa các nội dung liên quan đến IUU, các khuyến nghị của EC, được quy định rải rác trong các điều và các chương của luật, như: quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương để cấp phép cho từng tàu cá.
Các hành vi khai thác IUU có mức xử phạt hành chính cao nhất áp dụng đối với cá nhân lên đến 1 tỉ đồng và tổ chức là 2 tỉ đồng. Mức phạt này tăng gấp 10 lần so với mức hiện hành. Nói như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: "Đây là mức xử phạt cao nhất trong luật xử lý vi phạm hành chính để EC và các nước thấy chúng ta đã quyết tâm xử phạt một cách nghiêm minh. Bởi trước đó, EC cho rằng chúng ta chưa có tiến bộ trong xây dựng dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi, chưa chịu tiếp thu khi không đưa chi tiết mức xử phạt vào luật".
Quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương là vậy, thậm chí còn được quy định cụ thể trong Luật. Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, điều đáng nói là Luật Thuỷ sản 2017 dù được kỳ vọng giúp Việt Nam tránh được việc nhận “thẻ đỏ” từ EC với những quy định luật hoá IUU nhưng lại đến ngày 1/1/2019 mới có hiệu lực thi hành. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 6 tháng, tức đến tháng 4/2018 cho việc thay đổi “thẻ vàng” từ EC.
Do đó, vị chuyên gia này nhận định: "Doanh nghiệp chế biến sẽ phải hợp tác với các doanh nghiệp nuôi thuỷ sản trong ngành. Để có được sản phẩm thuỷ sản với sản lượng ổn định, đầy đủ chứng chỉ và giấy chứng nhận về nuôi biển, có vậy mới chứng minh được nguồn gốc của sản phẩm để đưa vào EU. Việc liên kết tạo thành chuỗi này mới là biện pháp phát triển bền vững cho thuỷ sản Việt Nam".