Những thách thức của MWI và TAG khi sáp nhập

Mới đây Cty Thế giới Di động (MWI) đã mua lại chuỗi thương hiệu điện máy của Trần Anh (TAG) nhằm tiếp cận thị trường điện máy phía Bắc. Tuy nhiên, rất nhiều thách thức đặt ra đối với MWI khi 2 DN này về chung một nhà…

Liên quan đến việc sáp nhập này, đại diện truyền thông Trần Anh (TAG) cho biết, ngày 20/8 sẽ tổ chức đại hội cổ đông. Tuy nhiên, mọi thông tin đưa ra lúc này đều là chưa chính thức, bởi 2 DN đều là Cty niêm yết trên sàn chứng khoán và việc chuyển nhượng phải được sự chấp thuận của các cổ đông…

Thương vụ M&A đình đám

Tuy nhiên phía MWI cho biết, sẽ lấy ý kiến cổ đông về phương án huy động 2.500 tỷ đồng cho thương vụ mua TAG để sở hữu chuỗi siêu thị điện máy tại miền Bắc. Nếu sáp nhập, thị phần điện máy của MWI tăng hơn 30%...

Theo thông tin công bố từ báo cáo thường niên năm 2016 của MWI, điện máy xanh của MWI đang chiếm thị phần hơn 16%. Khoảng 35% thị phần điện máy cả nước nằm trong tay các cửa hàng nhỏ lẻ bán hàng theo kiểu truyền thống, trong khi đó 49% thị phần còn lại thuộc các chuỗi siêu thị khác.

Còn Trần Anh đang chiếm thị phần dẫn đầu miền Bắc và khoảng 14% thị phần cả nước. Các hệ thống khác như Nguyễn Kim, Media Mart, Chợ Lớn…

Như vậy, nếu sáp nhập xảy ra, riêng hệ thống của 2 DN này đã chiếm 30% thị phần toàn quốc tính đến hết năm 2016, ngang ngửa với tất cả các chuỗi siêu thị còn lại cũng như tổng thị phần các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống.

Xét về độ phủ, hiện tại hệ thống siêu thị điện máy xanh của MWI đã lên tới con số 449 siêu thị với hai siêu thị chuẩn bị khai trương mới. Do đó, MWI sẽ sớm vượt mốc 450 siêu thị điện máy trên toàn quốc, Sự phân bố các điểm bán hàng của MWI trải dài từ Nam ra Bắc, tuy nhiên ở thị trường miền Nam chuỗi siêu thị điện máy xanh này chiếm ưu thế rõ ràng hơn. Tuy nhiên, tại thị trường miền Bắc, chuỗi điện máy xanh đang bị lép vế khi chỉ sở hữu 34 siêu thị ở Hà Nội.

Mặc dù có tham vọng nhưng đại diện MWI thừa nhận mở rộng điện máy ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn do bất động sản đắt đỏ, khó tìm kiếm mặt bằng lớn, nhất là ở khu vực trung tâm… Như vậy nếu thương vụ sáp nhập này thành công, MWI sẽ có thêm 39 siêu thị của Trần Anh, trong đó bao gồm 14 siêu thị tại Hà Nội.

Tỷ suất lợi nhuận thấp của TAG

Vậy đâu là những thách thức khi 2 DN này về chung nhà? Ông Nguyễn Hữu Hiền - Chuyên gia kiểm toán KPMG, cho biết, trong các báo cáo tài chính, một điều dễ nhận thấy ở Trần Anh là mặc dù doanh thu tăng trưởng mạnh qua từng năm và đạt hơn 4.100 tỷ đồng năm 2016, tuy nhiên khoản lợi nhuận sau thuế đem về của Trần Anh chỉ khoảng gần 22 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu chiếm 0,53%.

Trong khi đó, năm 2016, MWI đạt tổng doanh thu 45.612 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.577 tỷ, tỷ suất sinh lời trên doanh thu đạt 3,5%. Trong đó, chỉ riêng hoạt động của chuỗi điện máy xanh đem về cho Cty này hơn 13.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nếu sáp nhập, MWI sẽ đồng thời tiếp nhận khối nhân sự lớn của Trần Anh, ước tính 1.930 người. Hiện tại, bộ máy nhân sự của MWI cũng đã đạt gần 30.000 nhân viên. Một số lượng nhân viên rất khổng lồ cho 2 DN này sau khi sáp nhập…

Thách thức với các khoản trả nợ vay

Không chỉ đối diện với tình hình kinh doanh lợi nhuận thấp từ Trần Anh, báo cáo tài chính hợp nhất Quý II/2017 của MWI cho thấy, tiền chi trả nợ vay của DN này trong nửa đầu năm 2017 là 15.015 tỷ đồng. Tính ra, mỗi ngày MWI chi gần 83 tỷ đồng trả nợ ngân hàng.

Thực tế, việc chi trả nợ vay trên chỉ phản ánh quy mô dòng tiền chi trả nợ của MWI, doanh thu tăng mạnh, cần lượng vốn lưu động lớn để xoay vòng. Nếu chỉ đứng một mình mà không xét đến các yếu tố quan trọng hơn thì chỉ tiêu này không có nhiều ý nghĩa trong việc xác định gánh nặng nợ của DN. Song song với việc chi trả nợ vay, MWI cũng “đồng thời” thu được tiền từ hoạt động đi vay. Nửa đầu năm 2017, DN này nhận tổng cộng 14.204 tỷ đồng tiền vay.

Có đáng lo?

Tính đến hết ngày 30/6/2017, tổng nợ phải trả của MWI ở mức 9.971 tỷ đồng, giảm 9,5% so với con số 11.012 tỷ đồng hồi đầu năm. Toàn bộ nợ vay của MWI đều là nợ ngắn hạn. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu đến hết ngày 30/6/2017 của MWI tăng tới 21,8%, từ 3.841 tỷ đồng lên 4.679 tỷ đồng.

Nợ giảm, vốn chủ sở hữu tăng khiến hệ số nợ vay của “gã khổng lồ công nghệ Việt” giảm mạnh. Cụ thể, nếu như hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu thời điểm 1/1/2017 của MWI là 2,87 lần thì nay đã giảm xuống còn 2,13 lần. Hệ số nợ vay cũng giảm từ mức khá cao 1,25 lần hồi đầu năm xuống chỉ còn 0,85 lần – nằm sâu trong ngưỡng an toàn.

Ông Nguyễn Hữu Hiền, chuyên gia kiểm toán KPMG nhấn mạnh, có thể thấy khá rõ, nợ hiện không phải là vấn đề đáng lo đối với MWI, kể cả khi tính đến việc DN này tăng nợ vay để phục vụ cho hoạt động M&A sắp tới. Bởi ngân sách M&A chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó ít nhất khoảng 670 tỷ đồng là đến từ huy động vốn từ phát hành riêng lẻ, đủ giúp MWI tạo cân đối tài chính với khoản vay thêm (phục vụ cho M&A).

Tuy nhiên, ở MWI vẫn còn vấn đề có thể khiến DN này có thể rơi vào thế bị động khi đi vay, đó là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư. Liên tiếp 2 năm gần đây, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của MWI đều âm, lần lượt (-) 641 tỷ đồng và (-) 585 tỷ đồng…Đây chính là khó khăn, thách thức của MWI nói riêng và thách thức của 2 DN này khi về chung một nhà…Theo các chuyên gia, nếu giải quyết dứt điểm được vấn đề đã phân tích ở trên thì đây sẽ là thương vụ M&A lớn nhất 2017 và sẽ là DN sở hữu chuỗi siêu thị điện máy công nghệ lớn nhất cả nước.

Tags:

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video