NHNN siết tín dụng BĐS cao cấp, NĐT cảnh giác với "lãi suất hỗ trợ"

Tín dụng dành cho bất động sản đang tập trung ở một số chủ đầu tư lớn, trong phân khúc nhà ở thương mại cao cấp, khu nghỉ dưỡng... nhiều khả năng sẽ bị thắt chặt. Cùng với đó, người mua nhà cũng cần thận trọng với những gói vay mua nhà với “lãi suất hỗ trợ”.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng với bất động sản, đặc biệt là đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng rà soát việc cấp tín dụng với một số chủ đầu tư lớn và tránh tập trung tín dụng để giảm thiểu rủi ro.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng được văn bản dẫn lại, hiện nguồn cung nhà ở cao cấp đang nhiều hơn nhà xã hội và thương mại giá rẻ. Dự báo từ nay đến cuối năm, phân khúc này có thể dư thừa.

"Do đó, đề nghị ngân hàng hạn chế và thận trọng khi xem xét, thẩm định cho vay các dự án mới, đặc biệt là dự án nhà ở thương mại cao cấp, khu nghỉ dưỡng, dự án có khả năng thanh khoản thấp", văn bản của Ngân hàng Nhà nước cho hay.

Riêng với những dự án đang tài trợ vốn, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát, đánh giá lại tình hình cho vay, giám sát chặt việc dùng vốn vay, tiến độ, tình hình tài chính, doanh thu và các nguồn trả nợ khác của khách để có biện pháp tăng cường quản lý rủi ro, đảm bảo thu hồi vay nợ đầy đủ, đúng hạn.

Đến hết tháng 7, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng trên hệ thống đang có mức độ tập trung vốn vào bất động sản khá lớn. Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngay từ tháng 7 đã đưa ra hàng loạt chỉ đạo để chấn chỉnh hoạt động cho vay trong lĩnh vực này của các nhà băng.

Đồng thời với chỉ đạo "siết" vốn đổ dồn dập vào bất động sản cuối năm, Ngân hàng nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị tập trung cho vay đầu tư các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) trong báo cáo tình hình thị trường bất động sản TP HCM 2016 và dự báo 2017 cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh dòng vốn tín dụng vào thị trường bất động sản trên cơ sở đánh giá tính khả thi của từng dự án. Đồng thời rất cần quan tâm đến chất lượng tín dụng, cũng như kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.

“Nhìn chung, các doanh nghiệp bất động sản quy mô trung bình nhất là các doanh nghiệp mới thành lập vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Hiệp hội nhất trí với cảnh báo của Bộ Xây dựng về sự phát triển lệch pha của phân khúc thị trường bất động sản cao cấp.

Hiệp hội cũng nhất trí với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thẩm định chặt chẽ các dự án BOT, BT trước khi cho vay, kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn, cấp tín dụng đối với khách hàng có dư nợ lớn, trong đó có doanh nghiệp bất động sản”, báo cáo của HoREA cho biết.

HoREA cho biết hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng về cơ bản đã kết thúc, trong lúc chính sách tín dụng nhà ở xã hội chưa triển khai được, nên người thu nhập thấp đô thị và các đối tượng chính sách chưa có cơ hội để tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để tạo lập nhà ở.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2014 đã xác lập chính sách nhà ở xã hội, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể triển khai được trên thực tế, do các Bộ vẫn chưa trình Chính phủ để bố trí nguồn tái cấp vốn từ ngân sách cho các Ngân hàng Chính sách xã hội, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, và BIDV, nên chưa có nguồn vốn để triển khai chương trình nhà ở xã hội.

nhnn-siet-tin-dung-bds-cao-cap

TS Bùi Quang Tín – Khoa QTKD Đại học Ngân hàng TP HCM nhận định trong quý 4 cuối năm nay, các ngân hàng đang nỗ lực đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, hạ lãi suất cho vay và phối hợp với các chủ đầu tư dự án đưa ra nhiều gói cho vay rất hấp dẫn cho người mua nhà.

Ở nhiều buổi mở bán các dự án bất động sản, cảnh dễ thấy nhất là các nhân viên tín dụng ngân hàng tung quân, cứ một nhân viên bán nhà thì có đến hai nhân viên ngân hàng đeo bám chào mời vay mua nhà với “lãi suất hỗ trợ”.

Tuy nhiên, TS Tín khuyến cáo người vay mua nhà phải tính toán thật kỹ càng trước khi quyết định vay vốn từ ngân hàng.Vì nếu không tính toán kỹ, người mua coi chừng bị vỡ nợ.

Về nguyên tắc, lãi suất ưu đãi chỉ trong 1 thời gian nhất định, thường là không quá 3 năm. Sau thời gian đó, ngân hàng sẽ áp dụng theo lãi suất thả nổi theo lãi suất huy động 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ và được tính lại theo năm.

Do đó, trong nhiều trường hợp, sau thời gian hưởng lãi suất ưu đãi, lãi suất cho vay tăng cao hoặc thu nhập của khách hàng bị giảm sút thì khả năng khách hàng bị “siết nhà” là rất cao do nguồn thu nhập không đủ bù đắp phần tăng lên của lãi suất hay phần thu nhập giảm không đủ trả theo mức lãi suất cũ.

Mặc dù là chúng ta có thể dự báo được xu hướng của lãi suất trong thời gian tới, nhưng rủi ro về nền kinh tế như lạm phát tăng bất thường, chính sách kinh tế thay đổi, tình hình chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp…là rất khó tính toán và dự liệu trước. Từ đó, việc thay đổi bất thường này sẽ làm cho lãi suất tăng cao và gây thiệt hại cho khách hàng.

“Bên cạnh các vấn đề về lãi suất, chương trình khuyến mãi, hợp đồng tín dụng và lời tư vấn của ngân hàng, hiện còn 1 vấn đề khác mà khách hàng phải quan tâm là nhiều ngân hàng đang áp dụng thu phí đối với khách hàng có nhu cầu trả nợ trước hạn. Mức thu phí thường từ 1% - 5% trên số tiền trả nợ trước hạn. Vì thế, người vay cần lưu ý đến yếu tố này để xác định mức phí phải trả cho ngân hàng và khả năng tài chính của mình cho phù hợp”, TS Bùi Quang Tín cho biết.

Theo NDH

Tags:

Đề xuất đáng lưu ý về nhà ở xã hội

Nhu cầu cấp thiết của người dân với loại hình nhà ở xã hội (NƠXH), nhất là với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, người lao động trong các khu công nghiệp, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… xưa nay vẫn luôn là một vấn đề “nóng” trong xã hội. Vì vậy, sau khi một báo cáo đề xuất của UBND TP Hà Nội được công bố mới đây, không chỉ người dân, mà chính quyền nhiều tỉnh, thành khác cũng rất quan tâm, trông đợi.

Video