Nhiều cái tên sáng giá trong danh mục bán vốn của SCIC
Danh mục bán vốn của SCIC vẫn có nhiều cái tên sáng giá, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư như Vinamilk, Domesco, Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền phong, Vinaconex, Bảo Minh…
[caption id="attachment_63622" align="aligncenter" width="650"]
Theo kế hoạch, danh mục bán vốn năm 2017 của SCIC có 114 doanh nghiệp sau hiệu chỉnh, bổ sung (theo Công văn số 10890/BTC-TCDN ngày 15/8/2017 của Bộ Tài chính). Hiện nay, công tác bán vốn của SCIC đang gặp phải một số khó khăn vướng mắc liên quan đến từ nhiều phía.
Về mặt khách quan, sức mua suy giảm khiến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong danh sách thoái vốn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận vốn vay bị hạn chế , lãi vay có xu hướng giảm tuy nhiên vẫn ở mức cao so với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp khiến nhà đầu tư không mặn mà trong việc tham gia mua vốn.
Ngoài ra, cũng còn nhiều vấn đề đến từ yếu tố chủ quan của doanh nghiệp như việc một số doanh nghiệp không xác nhận công nợ gây khó khăn cho quá trình thoái vốn, không phối hợp cung cấp thông tin cho tư vấn để hoàn thiện hồ sơ bán...
Một số doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả (thua lỗ, thậm chí âm vốn chủ sở hữu), không có báo cáo tài chính, không xác định được giá trị, đã ngưng hoạt động nhiều năm đang làm thủ tục phá sản nhưng chưa có cơ chế bán theo giá tượng trưng/cơ chế đặc thù. Trong khi đó, cũng có các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, tuy nhiên tiềm năng và lợi thế chưa đủ hấp dẫn, tính thanh khoản thấp, tình hình quản trị phức tạp khiến việc bán diễn ra nhiều lần nhưng không thành công.
Nhìn chung, danh mục bán vốn của SCIC vẫn có nhiều cái tên sáng giá, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư mỗi lần SCIC thực hiện bán vốn, có thể kể đến các doanh nghiệp hiện đang niêm yết trên sàn như Vinamilk, Domesco, Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu niên Tiền phong, Vinaconex, Bảo Minh…
Mặc dù vậy, hoạt động thoái vốn của SCIC ở số đông các doanh nghiệp còn lại còn gặp nhiều khó khăn và cần sự phối hợp của nhiều bên, đặc biệt là sự phối hợp của bản thân các doanh nghiệp, sự tham gia của các CTCK, cũng như sự hỗ trợ từ mặt chính sách của Chính phủ trong việc mở ra các phương thức bán cổ phần theo thông lệ tiên tiến của quốc tế như phương thức dựng sổ, “bán theo rổ”, bán vốn kèm bán công nợ…