Nhật Bản giữ ưu đãi thuế cho Việt Nam, loại bỏ Trung Quốc và Thái Lan
Nhật Bản sẽ loại bỏ 5 quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Thái Lan, khỏi khung thuế suất ưu đãi để phát triển kinh tế.
Động thái này cho thấy chủ nghĩa bảo hộ đang nhen nhóm trở lại tại các quốc gia lớn.
Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) là một hình thức hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển. GSP giúp các quốc gia như Việt Nam hưởng mức thuế tối thiểu với các sản phẩm và ngành công nghiệp cụ thể. Hệ thống này được áp dụng tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Khung thuế này được áp dụng cho tới khi các quốc gia đang phát triển tiến tới một ngưỡng kinh tế nhất định. Các đối tượng hưởng lợi sẽ bị loại bỏ khỏi danh sách nếu Ngân hàng Thế giới (WB) liệt kê họ vào danh sách các nền kinh tế thu nhập cao trong 3 năm liên tiếp. Bộ Tài chính Nhật Bản cũng thêm một quy tắc: Loại bỏ các nước có thị phần xuất khẩu lớn hơn hoặc bằng 1% và thu nhập vượt qua một mức nhất định trong 3 năm liên tiếp.
5 quốc gia bị loại khỏi danh sách hưởng thuế suất ưu đãi bao gồm: Trung Quốc, Mexico, Brazil, Thái Lan và Malaysia. Thay đổi này có hiệu lực từ năm tài chính 2019. Trong tổng số 33 tỷ Yên thâm hụt từ thuế, 5 quốc gia này chiếm tới 30 tỷ Yên (272 triệu USD).
Thuế quan thấp được áp dụng cho hầu hết các sản phẩm của Trung Quốc như nước hoa và polyethylene terephthalate (được sử dụng trong các chai nhựa). Nhiều công ty Nhật Bản xây dựng dây chuyền sản xuất và phân phối toàn cầu dựa trên khung thuế suất hiện nay. Mặc dù Bộ Tài chính dự kiến chuyển đổi trong vòng 2 năm, mọi thứ vẫn có thể xoay chuyển theo hướng khác bởi các doanh nghiệp Nhật Bản – những người đang nhập nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc.
Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia vẫn sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc cắt giảm và miễn trừ thuế suất. Trong khi đó, Chile và Argentina được dự báo sẽ sớm bị loại bỏ khỏi danh sách bởi họ đã đạt được một số chỉ tiêu nhất định.
Trước Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU) và Canada đã thay đổi mức thuế ưu đãi trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, những diễn biến như việc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang dấy lên những lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ. Do đó, Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ cần phải giải thích mục đích kế hoạch một cách cẩn trọng.
Theo Nikkei