Nhà phố shophouse: Đắt xắt ra miếng
Shophouse là mô hình nhà ở kiểu mới đang tạo nên một xu hướng đầu tư mới trên thị trường bất động sản. Thậm chí nhiều nhà đầu tư cho rằng rót tiền vào phân khúc này dù đắt nhưng “xắt ra miêng”.
[caption id="attachment_46409" align="aligncenter" width="550"]
Tại lễ mở bán mới đây, phóng viên không khỏi bất ngờ khi một khách hàng phải nhờ đến bố mẹ và anh trai rồng rắn xếp hàng để mua bằng được một căn shophouse trên địa bàn quận 2, TP.HCM. Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, khách hàng này cho biết: “Do tỷ lệ một chọi 5, hơn trăm người mua mà chỉ có 23 căn được bán buộc chúng tôi phải tính cách này”.
Chứng tỏ sức hút
Việc tranh mua shophouse không phải chỉ diễn ra tại dự án ở Quận 2, mà diễn ra tại hầu hết các dự án trên cả nước.
Còn nhớ, cách đây vài tháng trong đợt mở bán 20 căn shophouse tại dự án Park Hill Time City nhưng có tới gần 400 khách hàng xếp hàng bốc thăm mua. Hay mới đây, dù chưa mở bán nhưng hàng nghìn người đến chỉ chờ mua bằng được 1 trong 77 căn shophouse tại dự án Mon Bay Hạ Long do Công ty Hải Đăng làm chủ đầu tư. Thậm chí hàng trăm người đến từ tối hôm trước.
Sức hút khủng khiếp của shophouse khiến ông Vũ Cương Quyết – Tổng Giám đốc Công ty CP Đất Xanh Miền Bắc phải kinh ngạc thốt lên, gần 10 năm trong lĩnh vực bất động sản, ông chưa từng chứng kiến phân khúc nhà ở kinh doanh nào lại thu hút đông đảo khách hàng đến như vậy. Ông Quyết dẫn chứng, buổi mở bán shophouse mà đơn vị ông đang phân phối tại Hà Nội có đến 1.000 khách hàng tham dự và 90% căn shophouse giới thiệu đợt 1 tại dự án được đăng ký đặt mua.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá các căn shophouse không hề rẻ, dao động từ 3 – 10 tỷ đồng/căn ở địa phương. Còn những căn shophouse ở vị trí đẹp và nằm ở các thành phố lớn thì con số có thể lên tới vài chục tỷ. Đắt là vậy nhưng dự án nào ra hàng thì đều hết veo ngay sau đó.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sản phẩm nhà phố thương mại chính là điểm khác lạ của thị trường liền kề, biệt thự trong năm 2015 và bắt đầu nở rộ từ đầu năm 2016.
Đi tiên phong trong phân khúc này có thể kể tới các sản phẩm shophouse của Vingroup trải rộng trên tất cả các dự án tại Hà Nội như: Times City; Vinhomes Gardenia. Theo thống kê của CBRE, hiện tại số lượng shophouse tại Hà Nội đã lên tới gần 2.000 căn.
Còn tại TP.HCM, theo khảo sát sơ bộ, ở quận 2, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình hiện nguồn cung căn hộ shophouse cỡ khoảng 1.200 căn, chủ yếu đến từ những dự án của Novaland, Hưng Thịnh.
Sau khi chứng kiến sức hút khủng khiếp của mô hình nhà ở trên, Vingroup cũng như hàng loạt DN như BIM, APECi đã quyết định đầu tư sản phẩm nhà phố thương mại lan rộng ra toàn bộ các tỉnh thành cả nước như: Quảng Ninh, Cần Thơ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hậu Giang, Hà Nam.
Thậm chí Công ty CP Đầu tư Hải Phát đã quyết định bỏ ra số tiền hơn 500 tỷ đồng đấu giá để mua bằng được mảnh đất hơn 7.000m2 đất tại Hà Đông. Ngay sau đó DN này đã hoàn tất các thủ tục để xây hàng loạt căn nhà phố thương mại mặt đường Vạn Phúc. Đến nay, gần 100 căn shophouse đang chuẩn bị bàn giao cho khách hàng.
Cần đi đúng “quỹ đạo”
Sức hấp dẫn của shophouse theo giải thích của các nhà đầu tư đến từ 4 lý do. Thứ nhất, nhà nằm ở tầng trệt, khi dự án hình thành, lấp đầy, nhu cầu buôn bán, dịch vụ sẽ tăng lên, chắc chắn không lo vắng khách thuê. Thứ hai, giá thuê sẽ tăng lũy tiến theo thời gian vì đây là mặt tiền đường lớn. Thứ ba, khách thuê tự trang bị nội thất, chủ nhà tiết kiệm thêm một khoản chi phí. Thứ tư, sản phẩm số lượng có hạn, không bận tâm lo bị cạnh tranh.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển - Tổng Giám đốc Hệ thống Siêu thị dự án Bất động sản STDA phân tích, thành công của loại hình shophouse phụ thuộc rất nhiều yếu tố, bao gồm quy hoạch tổng thể khách thuê và mặt hàng kinh doanh hợp lý, đội ngũ cho thuê có kinh nghiệm, và năng lực quản lý vận hành khi dự án đi vào hoạt động. Nếu một trong những yếu tố trên không vận hành theo đúng quỹ đạo sẽ khiến việc kinh doanh của chủ đầu tư thất bại.
Ngoài ra, hầu hết các căn hộ shophouse thường có giá cao hơn căn hộ thông thường từ trên 20%, thậm chí có dự án lên tới 100% dù căn hộ shophouse chỉ được sở hữu có thời hạn (thường là 50 năm) là một rào cản để người mua cân nhắc khi đầu tư.
Hai vấn đề trên được minh chứng bằng sự thất bại nặng nề của Tập đoàn Nam Cường với dự án shophouse phố chợ Đô Nghĩa rộng 22,56 ha trong tổng thể khu đô thị mới Dương Nội. Dự án từng được chủ đầu tư kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo khu vực quận Hà Đông. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản trầm lắng, lượng cư dân chưa đông như mong muốn nên đến thời điểm hiện tại dù đã bàn giao gần 3 năm nay nhưng khu phố này vẫn hoang vắng trái ngược với kỳ vọng của chủ đầu tư. Còn người mua nhà đã chôn đống tiền vào dự án giờ muốn bán cũng không ai mua.
Để loại hình này thực sự nở rộ và phát triển một cách ổn định trong dài hạn, ông Tuyển cho biết các chủ đầu tư cần phải tính toán tới nhiều yếu tố như tập trung ở khu đông dân cư, đông khách du lịch và phải biết tạo mô hình phát triển để lôi kéo cư dân đến mua sắm.
Về phía nhà đầu tư, cần chú ý quy mô của dự án phải đủ lớn, điều này có nghĩa là với chung cư 300-500 căn trở lên thì shophouse mới phát huy thế mạnh. Nếu dưới con số này việc đầu tư cần xem xét kỹ. Kế đến là khả năng lấp đầy của dự án phải cao vì số người về ở đông mới hình thành nên cộng đồng sầm uất, từ đó phát sinh nhu cầu thương mại.
Sau cùng là khả năng lưu thông từ căn shop đến các khu vực xung quanh phải cực tốt. Càng dễ tiếp cận, dễ nhận biết từ xa thì giá trị thương mại của sản phẩm này mới cao.
Theo Linh Vân Enternews