Ngành ngân hàng tăng tốc phát triển ngân hàng số

Năm 2025, ngành ngân hàng cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng tiếp tục triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước; ứng dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ, đặc biệt là đẩy mạnh ngân hàng số…
Ngành ngân hàng tiên phong chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh - Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Trong đó, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm đó là: “Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao)”.

ĐÁP ỨNG NHU CẦU VỐN TÍN DỤNG, HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết ngoài việc thực hiện cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước, chỉ thị và chỉ đạo về thực hiện nhiệm vụ giải pháp năm 2025, nhiệm vụ lõi của ngành ngân hàng Thành phố trong năm 2025 cũng sẽ không nằm ngoài hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội Thành phố, song ở mức độ cao hơn, năng động và quyết tâm hơn.

Cụ thể, ngành ngân hàng TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chủ động tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ: Tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; đặc biệt là các chính sách về tín dụng, lãi suất, tỷ giá và các chương trình tín dụng.

Ngoài ra, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, với nội hàm triển khai chính sách và thông tin phổ biến chính sách; đối thoại doanh nghiệp; giải ngân gói tín dụng ưu đãi, gắn với các chương trình tín dụng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và của UBND Thành phố. Chẳng hạn, chương trình cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; nông nghiệp & nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giải ngân gói tín dụng cho vay lâm sản, thủy sản; cho vay nhà ở xã hội….

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần chủ động xây dựng kế hoạch chương trình năm 2025; tổ chức đăng ký gói tín dụng ưu đãi cho chương trình và tổ chức thực hiện công tác phối hợp với sở ngành, quận huyện ngay từ đầu năm 2025. Trong đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cần quan tâm và tích cực tham gia với tinh thần trách nhiệm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng Thành phố tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh phát triển ngân hàng số…

ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI NGÂN HÀNG SỐ

Trong những năm qua, ngành ngân hàng đã có những đột phá lớn về công nghệ, với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ ngân hàng lõi để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.

Tại hội nghị Vietnam Banking Innovation Summit 2024 vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nhấn mạnh: "Ngành ngân hàng đang dẫn đầu xu thế đổi mới sáng tạo, thể hiện qua Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các ngân hàng đã có những đột phá lớn về công nghệ, với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ ngân hàng lõi để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam trong thời gian qua không chỉ nhanh chóng mà còn hiệu quả, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.”

Theo ông Sơn, quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng Việt Nam được thực hiện với 4 công nghệ nổi bật bao gồm: công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), sinh trắc học (đã phổ biến tại các ngân hàng Việt Nam), và phân tích dữ liệu.

Hiện BIDV đi đầu trong ứng dụng công nghệ blockchain phát hành thư tín dụng đến ngân hàng ngoài hệ thống; MB, VPBank, Vietcombank đã ứng dụng blockchain trong xử lý giao dịch tài chính. Đối với ứng dụng AI, BIDV đã ra mắt công nghệ smartbanking sử dụng công nghệ AI, VIB kết hơp công nghệ AI với BigData vào quy trình chấm điểm tín dụng và xét duyệt hồ sơ tín dụng…

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác như: Sacombank, HDBank, ACB, Eximbank, Nam A Bank, OCB, PVComBank… cũng đã và đang tích cực chuyển đổi số để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (Vietbank) cũng xác định chuyển đổi số là chiến lược trọng tâm, tập trung đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ nhằm phát triển hệ sinh thái số và dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ uy tín hàng đầu, thời gian qua, ứng dụng Vietbank Digital liên tục được nâng cấp, mang đến loạt tính năng ưu việt như: thanh toán hóa đơn sinh hoạt (điện, nước, Internet), đặt vé máy bay, vé xem phim, gọi taxi, mua sắm trên VnShop, đặt hoa, giao hàng… Đặc biệt, khách hàng có thể chuyển tiền quốc tế và quản lý thẻ tín dụng ngay trên ứng dụng, giúp rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả quản lý tài chính.

Ngoài ra, dịch vụ tiết kiệm trực tuyến trên Vietbank Digital với lãi suất hấp dẫn giúp khách hàng tối đa hóa lợi nhuận, đáp ứng mọi nhu cầu tài chính cá nhân. Không chỉ cải thiện trải nghiệm khách hàng, Vietbank còn tiên phong số hóa nội bộ với hệ thống iHRP, tối ưu hóa quản trị nhân lực và nâng cao hiệu quả làm việc. Đây là bước đi chiến lược giúp ngân hàng xây dựng nền tảng vận hành áp dụng công nghệ hiện đại, bền vững trong kỷ nguyên số.

Dự báo về làn sóng đổi mới ngân hàng Việt Nam, ông Michael Arenata, chuyên gia dịch vụ tài chính ngân hàng, Tập đoàn Amazon Web Services, đã đưa ra những phân tích về xu hướng chính trong quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Theo đó, giai đoạn bắt đầu từ năm 2025 sẽ đánh dấu bước ngoặt cho các ngân hàng Việt Nam với những đổi mới sâu sắc thúc đẩy thành công trong số hóa, tài chính toàn diện và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

 

Theo Kinh tế Việt Nam

Tự hào, thiêng liêng Lễ thượng cờ A Pa Chải - cực Tây tổ quốc

Ngày 7/5/2025, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên và Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) tổ chức Lễ thượng cờ và gắn biển công trình Cột cờ A Pa Chải tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Đây là sự kiện đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 71 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2025) - cột mốc chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Chìa khóa mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu

Vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo trực tuyến “Chìa khóa mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu”, thu hút đông đảo khách hàng doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, thương mại quốc tế tham gia.

Ngân hàng tung ưu đãi dịp lễ thống nhất

Mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nam A Bank triển khai hàng loạt ưu đãi hấp dẫn dành cho khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng hoặc qua ứng dụng Ngân hàng số Open Banking.

Nam A Bank và MobiFone hợp tác nâng tầm công nghệ ngân hàng

Nam A Bank đang cho thấy những bước tiến mạnh mẽ trong chiến lược phát triển bền vững dựa trên 2 trụ cột chính là số hóa và xanh hóa. Tăng cường hợp tác sâu rộng với các đối tác công nghệ hàng đầu là một trong những hoạt động góp phần giúp ngân hàng hiện thực hóa chiến lược này.

Nam A Bank huy động 10 triệu USD từ Global Climate Partnership Funds

Ngày 25/04, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – HOSE: NAB) vừa được Quỹ Hợp tác Khí hậu Toàn cầu (Global Climate Partnership Funds – GCPF) giải ngân thành công 10 triệu USD. Qua đó, nâng tổng số dư huy động vốn nước ngoài của ngân hàng lên hơn 110 triệu USD nhằm chủ động nguồn vốn, mở rộng danh mục cho vay phát triển bền vững.

Video