Lợi ích từ EVFTA
Kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu EU (EVFTA), Bộ Tài chính cho biết, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
[caption id="attachment_5491" align="aligncenter" width="700"]
Liên quan đến nội dung về cam kết về thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu và dịch vụ tài chính trong Hiệp định thương mại Việt Nam-EU, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, sau 3 năm đàm phán, ngày 4/8/2015, Việt Nam và EU đã tuyên bố đạt được thỏa thuận nguyên tắc về toàn bộ các nội dung cơ bản của Hiệp định. Theo đánh giá của các chuyên gia, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, dự báo sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Bộ Tài chính cho biết, đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sẽ được EU xoá bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc hoặc có lộ trình không quá 7 năm. Ví dụ như: Dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên): EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Trong đó, nhiều nhóm sản phẩm quan trọng sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với cá ngừ đóng hộp, EU đồng ý dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch thuế quan thỏa đáng.
Đối với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch đáng kể đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Gạo nhập khẩu theo hạn ngạch này được miễn thuế hoàn toàn khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng gạo tấm, thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế nhập khẩu về 0% trong vòng 7 năm. EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với mật ong.
Toàn bộ các sản phẩm rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Một số sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm của EU sẽ không xóa bỏ thuế quan nhưng EU sẽ dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực như ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và sản phẩm có chứa đường, tinh bột sắn.
Theo Bộ Tài chính, đối với nhập khẩu của Việt Nam, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU, và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạnh thuế quan của WTO.
Đối với một số nhóm hàng quan trọng, như ôtô, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan sau 9 năm đối với ô tô phân khối lớn (trên 3000cc cho động cơ xăng và trên 2500 cc cho động cơ diesel) và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại; Linh kiện, phụ tùng ô tô, sẽ xóa bỏ thuế quan sau tối đa 7 năm. Hay đối với mặt hàng hóa chất, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan sau tối đa 7 năm, trong đó, khoảng 70% kim ngạch nhập khẩu hóa chất từ EU được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực….
Về thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu với hàng xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm. Những mặt hàng quan trọng còn lại sẽ tiếp tục được duy trì thuế xuất khẩu. Đối với dịch vụ tài chính như bảo hiểm và chứng khoán, cam kết của Việt Nam cơ bản ngang bằng với cam kết chung của Việt Nam trong WTO và các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, trừ một số lĩnh vực, cụ thể: Việt Nam cam kết mở cửa cho các Cty tái bảo hiểm EU được thành lập chi nhánh tái bảo hiểm ở Việt Nam theo lộ trình; Việt Nam cam kết cho phép các Cty bảo hiểm EU được cung cấp dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới.
Theo DĐDN