Liệu có thêm cú "quay xe" nào trong thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm?

Theo thông tin mới nhất từ Cục thuế TPHCM cho biết, ba doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm còn lại hiện chưa nộp tiền sử dụng đất vì chưa hết thời hạn nộp.
Dư luận vẫn băn khoăn rất nhiều về năng lực tài chính thật sự của các doanh nghiệp còn lại trúng đấu giá đất Thủ Thiêm. Ảnh: N. Tiến
Dư luận vẫn băn khoăn rất nhiều về năng lực tài chính thật sự của các doanh nghiệp còn lại trúng đấu giá đất Thủ Thiêm. Ảnh: N. Tiến

Đại diện Cục Thuế TPHCM cho biết, sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh (công ty mẹ của Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt) xin bỏ cọc trúng đấu giá đất ở khu đô thị Thủ Thiêm, liên quan tới 3 doanh nghiệp trúng đấu giá còn lại, vẫn chưa có thông tin nào từ các cơ quan có thẩm quyền cho biết sẽ có thêm trường hợp bỏ cọc. Cả 3 đơn vị này cũng chưa nộp tiền sử dụng đất vì chưa hết thời hạn nộp.

Theo quy định, trong vòng 30 ngày kể từ ngày 6.1, thời điểm Cục Thuế TPHCM ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, doanh nghiệp trúng đấu giá đất phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất; chậm nhất trong 90 ngày kể từ ngày 6.1, các đơn vị trúng đấu giá nộp 50% số tiền sử dụng đất còn lại.

Trong những chuyển động vừa qua liên quan đến đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm, dư luận hầu như chỉ nhắc đến Tân Hoàng Minh Group với thành viên Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Sao Việt với việc bỏ cọc lô 3-12, trước đó trúng đấu giá 24.500 tỉ đồng, hay 2 công ty có liên hệ tới Vạn Thịnh Phát Group là CTCP Sheen Mega mua lô 3-8 với mức giá 4.000 tỉ đồng và CTCP Dream Republic mua lô 3-5 với giá 3.820 tỉ đồng).

Ngoài ra, còn có một công ty khá kín tiếng là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh đã bỏ ra 5.026 tỉ đồng để trúng đấu giá lô đất còn lại, lô 3-9 có diện tích 5.009m2. Và theo tính toán thì công ty này đã bỏ ra một mức giá không hề đơn giản là hơn 1 tỉ đồng cho mỗi m2, chỉ thua mức giá chơi trội mà Tân Hoàng Minh đã bỏ ra để mua cho lô 3-12. 

Điều dư luận đang quan tâm chính là năng lực của công ty này.  Cụ thể, theo hồ sơ chúng tôi có được thì công ty này mới thành lập vào tháng 9.2021, đóng trụ sở tại số 151 phố Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Lĩnh vực hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng giám đốc là bà Thân Thị Liên (SN 1992). Chúng tôi đã liên hệ và được bà Liên xác nhận thông tin về công ty cũng như việc công ty này là đơn vị trúng đấu giá. Tuy nhiên, về những thông tin khác như kế hoạch triển khai hay đóng tiền sử dụng đất thì bà Liên từ chối trả lời. 

Tìm hiểu thêm về vốn điều lệ của công ty Bình Minh thì công ty này có vốn điều lệ khi thành lập là 100 tỉ đồng. Tuy nhiên trước thời điểm 1 tuần trước khi cuộc đấu giá diễn ra, công ty Bình Minh đã có động thái tăng vốn lên 200 tỉ đồng. Trên thương trường hầu như có rất ít thông tin về các cổ đông của công ty này. Điều này cũng đặt ra cho dư luận câu hỏi liệu có thêm cú quay xe bỏ cọc nào trong 3 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm còn lại hay không? Bởi vì có thể thấy, quan điểm của NHNN đang giám sát chặt việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp này.

Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước mới đây đã thông tin cho biết hầu hết các tổ chức tín dụng đều đã có báo cáo. Bên cạnh đó, NHNN không chỉ căn cứ qua báo cáo của các tổ chức tín dụng mà còn rà soát qua cả CIC (Trung tâm Thông Tin Tín Dụng) để rà soát kỹ việc này. Qua rà soát thì hiện không có tổ chức tín dụng nào tham gia cho vay để dự thầu của 4 công ty trúng đấu giá nói trên.

Theo Gia Miêu (Lao Động)

Đề xuất đáng lưu ý về nhà ở xã hội

Nhu cầu cấp thiết của người dân với loại hình nhà ở xã hội (NƠXH), nhất là với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, người lao động trong các khu công nghiệp, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… xưa nay vẫn luôn là một vấn đề “nóng” trong xã hội. Vì vậy, sau khi một báo cáo đề xuất của UBND TP Hà Nội được công bố mới đây, không chỉ người dân, mà chính quyền nhiều tỉnh, thành khác cũng rất quan tâm, trông đợi.

Video