Làn sóng đầu tư vào bán lẻ và phân phối của DN Nhật
Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện văn phòng JETRO tại Hà Nội cho biết: xu hướng đầu tư mới trong thời gian tới của DN Nhật Bản vào Việt Nam sẽ có sự thay đổi.

Minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định về xu hướng đầu tư mới từ DN Nhật Bản của ông Hironobu Kitagawa, không thể không nhắc đến “ông lớn” Aeon Mall.
Aeon Mall là một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam. Từ năm 2008 đến nay, Aeon đã không ngừng mở rộng. Mới đây, Aeon Mall đã chính thức kí kết hợp đồng đầu tư 200 triệu USD, tương đương với 4.500 tỷ nâng tổng số vốn đầu tư của Aeon Mall vào thị trường bán lẻ của Việt Nam lên 600 triệu USD. Dự án này đánh dấu con số 5 trung tâm thương mại của Aone trên toàn quốc và là trung tâm thương mại thứ 2 tại Hà Nội. Mặc dù vậy, tính đến nay, Aeon Mall mới đi được ¼ hành trình dự kiến đầu tư của mình.
Song song với đó, Aone cũng đẩy mạnh hoạt động hợp tác và mua lại các hệ thống siêu thị có sẵn của thị trường nội địa. Hiện nay, Aeon đang sở hữu 49% cổ phần hệ thống siêu thị Citimart và 30% cổ phần tại hệ thống siêu thị Fivimart. Việc sát nhập và mua lại này đã giúp cho Aeon nhanh chóng “phủ sóng” thương hiệu của mình tới các thành phố lớn của Việt Nam mà không phải đầu tư quá nhiều vào các trung tâm thương mại vốn phức tạp về thủ tục và chi phí cao hơn. Điều này cũng phần nào góp phần thực hiện tham vọng mở 100 điểm trên toàn quốc của Aeon nhanh chóng thành hiện thực.
Bên cạnh “ông lớn” Aeon Mall, nhiều doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản cũng chọn cách lặng lẽ thâm nhập thị trường bán lẻ thông qua đối tác. Cụ thể, mới đây, quỹ đầu tư ACA Investments thuộc Tập đoàn Sumitomo đã rót vốn để nắm 20% cổ phần tại Công ty Cổ phần Bibo Mart. Ông Hiroyuki Ono, đại diện Quỹ đầu tư ACA Investments đánh giá, thông qua khoản đầu tư này, ACA hy vọng sẽ kết nối các doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhu cầu mở rộng đầu tư vào các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam để hợp tác với BiboMart. Hiện nay quỹ cũng đang tìm các công ty tốt trong lĩnh vực bán lẻ thời trang và dịch vụ tiêu dùng ở Việt Nam để rót vốn.
“Với những thuận lợi từ quy mô thị trường, dân số cùng các điều kiện hoạt động tại thị trường Việt Nam có nhiều thuận lợi và 60% doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn có lãi tại Việt Nam là những điều kiện trực tiếp quyết định đến sự thay đổi và chuyển dịch cơ cấu cho phù hợp với quá trình phát triển của thị trường và quốc tế”, Hironobu Kitagawa cho biết.