Khó như bán vốn nhà nước
Việc TCty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) không thể bán hết 9% cổ phần Vinamilk sẽ là bài học kinh nghiệm cho các kế hoạch thoái vốn nhà nước khỏi các DN lớn sau này.
[caption id="attachment_45811" align="aligncenter" width="588"]
Trước phiên đấu giá diễn ra, Bộ Tài chính và SCIC có giải thích về việc tại sao lại chia nhỏ cổ phần tại Vinamilk ra bán làm nhiều đợt. Theo đó, chính vì cổ phiếu Vinamilk là một món hàng tốt luôn được săn đón trên thị trường, nên việc bán lẻ thành nhiều đợt sẽ tạo sự công bằng cho nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế có cơ hội tham gia mua cổ phần tại Vinamilk. Nghe thì có vẻ rất hợp lý, công bằng và bình đẳng luôn là điều mà nhiều nhà đầu tư mong muốn trên thị trường.
“Một mình một chợ”
Đúng như một số dự báo được đưa ra trước khi SCIC tổ chức đấu giá bán 9% cổ phần tại Vinamilk, chỉ có duy nhất một mình F&N Dairy Investment của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi – sử dụng hai pháp nhân của Cty – để đăng ký mua 5,4% cổ phần. Cuộc đấu giá có lẽ đã thất bại, nếu như F&N Dairy Investment chỉ sử dụng một pháp nhân để đăng ký mua, thì chả có pháp nhân nào tham gia để cạnh tranh “đấu giá” cả.
Câu chuyện bán cổ phần của Vinamilk mà không ai mua thoạt nghe có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Bởi trong suốt những năm qua, cổ phiếu của Vinamilk luôn là hàng hiếm trên thị trường và được săn đón rất nhiều. Đây cũng là một trong những DN đang “ăn nên, làm ra” nhất ở Việt Nam. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III năm nay của Vinamilk cho thấy hãng sữa này có tổng tài sản tính tới ngày 30/9/2016 là hơn 27,6 nghìn tỷ đồng. Trong chín tháng đầu năm nay, Vinamilk có lợi nhuận thuần hơn 9 nghìn tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Một DN hoạt động tốt như vậy mà bán cổ phần vẫn bị “ế” thì quả là có vấn đề trong khâu bán hàng. Nhưng thực tế những gì diễn ra lại không cho thấy đó là điều mà các nhà đầu tư mong muốn, vì ngoài F&N Dairy Investment tham gia đấu giá thì không có nhà đầu tư thứ hai.
Theo nhận xét của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), vốn đã từng cảnh báo về thất bại của đợt đấu giá này trước đó, thì mức giá khởi điểm 144.000 VND cho mỗi cổ phiếu đã cao hơn mức giá thị trường 7%. “Chẳng có nhà đầu tư chứng khoán nào dại dột lại đi mua cổ phiếu Vinamilk cao hơn so với giá trên sàn”, VAFI bình luận. Ông Trịnh Thanh Cần, TGĐ Cty Chứng khoán ACB cũng thừa nhận: Việc chỉ bán 9% cổ phần VNM thực tế đã không đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư lớn, ngay cả với F&N Dairy Investment Pte Ltd. Đáng ra VNM phải được bán với tỷ lệ lớn hơn nhiều. Quy luật là bán lô lớn bao giờ cũng bán được giá cao hơn xé lẻ.
Hơn nữa, Chính phủ đang đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn và thúc các DN đã cổ phần hóa lên sàn, như vậy trong tương lai gần nguồn cung chứng khoán gia tăng giúp cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.
Nhưng nếu SCIC bán cổ phần Vinamilk với mức giá thị trường cthì cũng khó thành công ở những lần tiếp theo, VAFI nhận định. “Thị trường không thể hấp thụ được lượng cung khổng lồ là 4 tỷ USD từ việc bán toàn bộ cổ phần Vinamilk. Giá cổ phiếu Vinamilk sẽ lao dốc vài chục phần trăm, từ đó làm cho thị trường chứng khoán liên tục đỏ lửa”, thông cáo của VAFI viết.
Quan trọng ở… khâu bán hàng
Như vậy có thể thấy rằng việc thoái vốn lô lớn cổ phần Nhà nước tại nhiều DN cổ phần hóa không thể trông chờ vào các nhà đầu tư tài chính, mà phải dựa vào các nhà đầu tư chiến lược. Trong đợt thoái vốn vừa rồi, F&N Dairy Investment đã chứng minh điều đó. Với 11% cổ phần đang nắm giữ tại Vinamilk hiện tại, F&N Dairy Investment đã nâng tỷ lệ cổ phần của mình lên 16,4%.
Với thất bại của SCIC trong đợt thoái vốn vừa qua, nhiều nhà đầu tư cho rằng đây chính là một bài học cho những đợt thoái vốn Nhà nước sau này ở các tập đoàn, TCty lớn. Theo đó, các nhà đầu tư cho rằng Nhà nước không nên tổ chức bán lẻ. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI cho rằng: việc thoái vốn phải công khai minh bạch, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, vừa giúp phát triển thị trường vốn, đồng thời không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN.
Nếu nhìn rộng sang các thương vụ M&A của các DN tư nhân gần đây cũng có thể thấy được rằng, hầu hết những thương vụ đó đều được bán thành những lô lớn theo hình thức thỏa thuận với các nhà đầu tư chiến lược. Điển hình như Doji Group bán 95% cổ phần của Diana cho Unicharm với giá 184 triệu USD, Prime Group bán 85% cổ phần cho SCG với giá 240 triệu USD, hay như Central Group mua lại 49% cổ phần chuỗi siêu thị Nguyễn Kim và toàn bộ hệ thống Big C Việt Nam.
Tuy nhiên vì là bán tài sản nhà nước, dễ bị các nhóm lợi ích chi phối nên hiệp hội này cũng kiến nghị cần phải qui định công khai minh bạch chi tiết phương thức đấu giá, lộ trình đấu giá cho nhà đầu tư biết, và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tìm hiều kỹ lưỡng, không vội vàng tổ chức đấu giá.
Theo Ninh Kiều DĐDN