HVG: “Gánh nặng”… đa ngành
Được mệnh danh là “vua cá tra” của VN, tập đoàn Thủy sản Hùng Vương (HVG) hiện đang nắm giữ và có quy trình khép kín gần như hoàn toàn các công đoạn trong chuỗi giá trị thủy sản như: nuôi trồng, chế biến thức ăn, xuất khẩu… Tuy nhiên, đi liền với đó là việc phải vay nợ rất nhiều.
Theo báo cáo tài chính, trong 22 Cty con, liên doanh liên kết, đầu tư dài hạn của HVG, phần lớn đều hoạt động trong ngành thủy sản.
Nhiều thương vụ M&A đình đám
Trong số đó, có những doanh nghiệp đáng nể trên thương trường. Đơn cử, trước khi về một nhà với Hùng Vương, Cty XNK Thủy sản An Giang (Agifish) từng là DN chủ lực trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, do đầu tư đa ngành, năm 2008 Agifish bắt đầu làm ăn sa sút. Chớp thời cơ, HVG nhảy vào thâu tóm DN tiềm năng này. Nắm quyền chi phối ở Agifish có ý nghĩa quan trọng đối với HVG. Với lợi thế dẫn đầu về xuất khẩu cá tra vào Mỹ và châu Âu, Agifish đã giúp HVG đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, gia tăng năng lực sản xuất cũng như nâng cao khả năng tự chủ về nguyên liệu
Tương tự, thâu tóm Cty thức ăn chăn nuôi Việt Thắng đã đem đến sự thay đổi mạnh mẽ ở Hùng Vương. Với 14% thị phần trong phân khúc thức ăn thủy sản, Việt Thắng đã giúp HVG tự chủ nguồn thức ăn. Cùng đó, hoạt động bán thức ăn chăn nuôi ra thị trường cũng đóng góp đáng kể vào cơ cấu doanh thu của Cty. Để tránh những rủi ro có thể xảy đến nếu cá tra rơi vào thoái trào, HVG còn tăng cường đầu tư vào các DN ngành tôm như Fimex (FMC), Tắc Vân. Trong đó, Fimex là một cty nằm trong nhóm dẫn đầu các DN có kim ngạch xuất khẩu tôm lớn nhất VN. Có thể nói, với sự hợp lực từ Fimex và Tắc Vân, HVG đã dấn bước vào ngành tôm một cách thuận lợi và ghi nhận 120 triệu USD kim ngạch xuất khẩu tôm trong năm 2015, đóng góp 5% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm toàn ngành.
Từ chỗ chỉ là DN có vốn điều lệ lúc mới cổ phần là 120 tỉ đồng (năm 2007), HVG hiện đã dẫn đầu ngành xuất khẩu thủy sản về quy mô vốn góp chủ sở hữu lên tới 2.2703 tỉ đồng. Doanh thu cũng tăng vượt bậc, từ 8 tỷ đồng lúc mới thành lập (năm 2003) đạt tới hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm. Vùng nuôi cá cũng mở rộng lên gần 500 ha. Năng lực chế biến cá của HVG tăng vọt lên hàng trăm ngàn tấn/năm. Đặc biệt, cùng với Cty C.P Việt Nam, Masan Nutri-Science và Greenfeed, HVG lọt vào tốp các DN dẫn đầu về sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Nợ trên vốn chủ sở hữu dâng cao
Theo ông Nguyễn Văn Hải-Chuyên viên kiểm toán KPMG, xuất phát từ những hoạt động M&A rầm rộ mà sức khỏe tài chính của HVG hiện đang gặp vô cùng khó khăn.
Tính đến thời điểm kết thúc ngày 31/03/2016, vốn chủ sở hữu của HVG đạt mức 2.709 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả của tập đoàn này lên tới 12.311 tỷ đồng, nghĩa là nợ phải trả của HVG hiện nay đã gấp tới 4,5 lần vốn chủ sở hữu. Đây là một tỷ lệ rất cao. Theo qui định, thông thường các DN thường duy trì tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở mức dưới 1,5 lần. Chỉ ở một số ngành đặc thù như bất động sản hay xây dựng, tỷ lệ này mới lớn hơn 1,5 lần nhưng cũng rất hiếm khi lên đến trên 4 lần như trường hợp của HVG.
Không khó để thấy tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của HVG đang ở mức đáng báo động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tài chính. Thực tế thì một phần nguy cơ tài chính đã chuyển hóa thành thực tế. Đó chính là việc gánh nặng chi phí lãi vay đối với HVG đang ngày càng lớn và đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Lãi vay tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ là nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận của HVG giảm xuống mức dưới 1 tỷ đồng so với mức 55 tỷ đồng năm ngoái.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của HVG, có thể thấy rõ, chi phí lãi vay đang ảnh hưởng quá lớn tới lợi nhuận của HVG. Riêng trong Quý II/2016, chi phí lãi vay DN chiếm tới 136 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu niên độ chiếm 232 tỷ đồng…
Theo ông Hải, hiện sức khỏe tài chính của HVG đang bị đe dọa khi nợ phải trả chiếm 12.311 tỷ đồng, gấp tới 4,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó vay nợ ngắn hạn chiếm 7.386 tỷ đồng, vay nợ dài hạn chiếm 1.082 tỷ đồng. Mặc dù đặc điểm chung của ngành thủy sản thường sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn để sử dụng cho chi phí nguyên vật liệu. Tuy nhiên đòn bẩy tài chính của HVG là khá lớn so với mức trung bình chung của cả ngành.
Không riêng gì HVG, đây cũng là nỗi buồn chung của cả ngành thủy sản VN. Hiệp hội Thủy sản VN (VASEP) cho biết năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 16,5% so với năm 2014. Trong đó, mặt hàng bị giảm sâu nhất là tôm. Mặc dù chiếm tỷ trọng 44% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhưng tôm chỉ thu được gần 3 tỷ USD, bằng 75% kết quả của năm 2014, thị trường bị thu hẹp gần 1/3 so với trước đó.
Hướng đi nào cho HVG ?
Theo dự báo của IMF dự báo giá tôm năm 2016 sẽ giảm 4%, năm 2017 giảm 7%, 2020 giảm 13% so với năm 2015 do nhu cầu tiêu dùng yếu tại các thị trường như EU, Nhật Bản và dư cung tại các nước sản xuất lớn. Theo dự báo của VASEP, trong năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của VN sẽ đạt khoảng 7,12 tỷ USD ( tăng 6,3% so với năm 2015). Các mặt hàng tôm, mực, bạch tuộc, cá biển và các hải sản khác sẽ có mức tăng trưởng khá trong năm tới.
Để đối phó với khó khăn, HVG đang lên kế hoạch tấn công thị trường Nga với việc tiến hành đàm phán thực hiện mua lại 50% hệ thống phân phối của cty Russian Fish. Russian Fish là Cty phân phối cá đứng đầu thị trường Nga với thị phần hơn 5%, nhập khẩu và phân phối nhiều mặt hàng lớn nhất tại Nga với hơn 60 loại cá từ 18 thị trường trên thế giới.
Thời gian gần đây, HVG tập trung nguồn lực lớn trong việc M&A nhằm hoàn thiện mô hình đa ngành, ngoài thủy sản còn phát triển nông nghiệp, bán lẻ và kho lạnh. Mặc dù nhiều lo lắng cho rằng cty đang đi quá xa và mạo hiểm khi tiến quá xa khỏi lĩnh vực cốt lõi song ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT vẫn tin tưởng vào chiến thuật của DN.
Theo ông Minh dù HVG gặp khó nhưng lại ló cái khôn. Việc HVG vay nợ ngắn hạn nhiều sẽ tạo áp lực lớn và thiếu chủ động hơn trong việc chi trả lãi vay, nhưng ngược lại, tập đoàn này lại có thể giảm nợ vay trong khoảng thời gian ngắn, chỉ cần trả lãi vay và nợ gốc ngắn hạn cũ và hạn chế hơn các khoản vay ngắn hạn mới. Theo các chuyên gia, muốn thực hiện được điều này, nhất thiết dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của HVG phải tốt lên, đồng thời hạn chế hơn các khoản đầu tư mới để giảm sự phụ thuộc vào dòng tiền từ hoạt động tài chính. Một phương pháp nữa mà HVG mong muốn sử dụng hơn, đó là huy động vốn thông qua phát hành thêm. Thực tế thì những năm gần đây, HVG đã huy động vốn nhưng chỉ thành công nhỏ giọt, những đợt huy động vốn lớn hàng nghìn tỷ đều bất thành.
Cho dù có dùng phương pháp gì đi chăng nữa thì nhất thiết HVG phải giảm tỷ lệ nợ của mình xuống, tái cấu trúc lại Tập đoàn nếu như không muốn tiếp tục gặp phải những rủi ro phát sinh từ gánh nặng nợ vay đang đè nặng hai vai…
Theo DĐDN