HSC: Dự trữ ngoại hối giảm 5,3 tỷ USD trong ba tháng gần đây

Công ty chứng khoán cho biết nhà điều hành liên tục phải bán ra đôla Mỹ để làm chậm lại đà tăng của tỷ giá.

Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) vừa ra báo cáo về thị trường trái phiếu cho tuần giao dịch gần nhất, từ ngày 22 đến 26/10.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục bán ra khoảng 740 triệu USD để giữ tỷ giá không tăng trong tuần trước. Điều này, theo HSC, khiến tổng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước giảm hơn 1,63 tỷ USD trong tháng 10 và giảm 5,3 tỷ USD kể từ tháng 7. Tuy nhiên, HSC cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng 2,5-5,7 tỷ USD kể từ đầu năm.

Theo đánh giá của chuyên viên phân tích HSC, tỷ giá đồng bạc xanh có ảnh hưởng lớn đến dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Phần lớn dự trữ ngoại hối được tích lũy khi đồng USD mất giá so với các đồng tiền lớn khác và ngược lại, dự trữ giảm khi chỉ số đôla và tỷ giá USD/VND tăng đáng kể.

Dự trữ ngoại hối tích lũy gần đây, theo công ty chứng khoán này, là từ các khoản đầu tư gián tiếp nước ngoài, thay vì từ thặng dư thương mại hay kiều hối. Tuy nhiên, việc dự trữ ngoại hối gia tăng từ những khoản đầu tư nước ngoài ngắn hạn không có nghĩa khoản mục sẽ suy giảm nhanh chóng, mà điều này cho thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam "dễ biến động" và "chịu áp lực nhiều hơn từ tỷ giá".

Tỷ giá đồng bạc xanh liên ngân hàng tiếp tục tăng trong tuần gần nhất và đóng cửa ở mức 23.356 đồng, tăng 11 đồng so với tuần trước đó và tăng 634 đồng (tương ứng 2,84%) kể từ đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do đang giao dịch tại 23.455 đồng, giảm 5 đồng so với tuần trước đó nhưng tăng 740 đồng (3,36%) so với đầu năm.

"Chúng tôi tin rằng tiền đồng chịu ảnh hưởng lớn từ USD với mức mất giá hàng năm là 1,6% và chịu tác động một phần bởi các đồng tiền mạnh khác, đặc biệt là đồng EUR và CNY", chuyên viên phân tích của HSC bình luận.

Theo Minh Sơn Vnexpress

Tags:

Giá vàng hạ nhiệt: Cơ hội hay rủi ro?

Sau thỏa thuận Mỹ - Trung, giá vàng thế giới bước vào chu kỳ điều chỉnh ngắn hạn, trong khi thị trường vàng Việt Nam vẫn chịu áp lực chênh lệch cao, đòi hỏi nhà đầu tư cân nhắc chiến lược thận trọng.

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Video