Giáo dục Việt: “mảnh đất màu mỡ” chờ… vốn FDI
Mỗi năm, người Việt phải bỏ ra gần 3 tỷ USD để có được nền giáo dục quốc tế tốt nhất. Song, điều đáng nói là VN hoàn toàn có thể giữ được phần lớn số tiền này ở lại trong nước nếu biết thu hút DN nước ngoài đầu tư vào giáo dục.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy số lượng dự án và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành giáo dục còn khiêm tốn cả về số lượng và quy mô, với chỉ hơn 3,6 tỷ USD vốn đăng ký, từ khi Việt Nam bắt đầu thu hút FDI đến hết tháng 11/2015. GDP của dịch vụ giáo dục cũng chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng GDP của cả nước.
Nhà đầu tư phải “xin” nhiều giấy phép
Theo Luật Đầu tư, giáo dục được khuyến khích đầu tư cao, các cam kết WTO và văn bản hướng dẫn khác cũng cho phép tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trong lĩnh vực lên đến 100%. Tuy nhiên, theo quy định tại điều 24 của Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục thì các cơ sở giáo dục nước ngoài có thể tiếp nhận học sinh VN nhưng số học sinh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường và ở bậc trung học phổ thông không quá 20%. Và vấn đề mà các DN nước ngoài gặp phải là tỷ lệ học sinh Việt được phép học trong trường quốc tế lại tính toán dựa trên số lượng học sinh nước ngoài đăng ký học.
Quy định này đồng nghĩa, trong 10 học sinh đăng ký học trong một cơ sở giáo dục quốc tế, thì chỉ có một học sinh VN được phép học. Nếu các cơ sở đầu tư nước ngoài không có đủ số lượng học sinh nước ngoài, học sinh VN cũng không được phép đăng ký học. Ông Fred Burke – Trưởng nhóm công tác Thương mại và Đầu tư thuộc VBF cho biết, quy định này đã gây khó khăn cho một số nhà đầu tư nước ngoài trong môi trường giáo dục ngoài các thành phố lớn, bởi có rất ít người nước ngoài sinh sống và làm việc ngoài Hà Nội và TP HCM. Hậu quả là đầu tư nước ngoài vào giáo dục tiểu học và trung học bị khép lại tại các tỉnh, thành phố khác. “Nhu cầu học chương trình quốc tế của học sinh đang tăng lên rất nhanh. Với quy định này thì đầu tư tại các tỉnh ngoài Hà Nội và TP HCM đối với các bậc phổ thông là gần như không thể”, ông Phan Mạnh Hùng – GĐ Pháp chế Kinderworld Group nhận định.
Hơn thế, chia sẻ với DĐDN, nhiều nhà đầu tư cho rằng, để được xây dựng trường học tại VN họ phải “xin” tới 3 loại giấy phép bao gồm: giấy phép đầu tư, thành lập và hoạt động. Trong đó, quan ngại nhất là việc xin giấy phép thành lập bởi phải trải qua quy trình xem xét và phê duyệt của nhiều phòng ban, cơ quan. Vấn đề đặc biệt khiến nhà đầu tư lo ngại là trong hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập có ghi là hồ sơ dự kiến số lượng giáo viên và dự kiến số lượng nhân viên, song cơ quan thực thi và cơ quan ban hành luật có cách hiểu hoàn toàn khác nhau, yêu cầu nộp hồ sơ giáo viên bao gồm giấy phép lao động hợp pháp tại thời điểm cấp phép. Như thế có nghĩa là DN phải tuyển giáo viên, ký hợp đồng, trả lương và xin cấp giấy phép lao động cho giáo viên khi chưa hoạt động.
Ngoài ra, các trường học cũng kêu ca việc Việt Nam thiếu khuôn khổ pháp lý để xây dựng một cơ sở thực tập. Các nhà đầu tư nước ngoài khuyến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép một trường đại học vận hành một nhà hàng hoặc khách sạn thương mại để sinh viên có không gian trải nghiệm thực tế, được phục vụ các khách hàng thực sự và sẵn sàng cho công việc sau khi tốt nghiệp.
Phải thay đổi từ… tư duy
Trước ý kiến cho rằng mở cửa dịch vụ giáo dục theo các cam kết hội nhập sẽ là “con dao hai lưỡi” vì nhà đầu tư nước ngoài sẽ thâm nhập vào thị trường trong nước gây ảnh hưởng tiêu cực, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể cân nhắc, chọn lựa các lĩnh vực mở cửa, ví dụ có thể không mở cửa với lứa tuổi tiểu học nhưng nên mở cửa với những bậc mà học sinh đã có đầy đủ nhận thức. Bà Vũ Thanh Hương – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Việt Nam không nên quá rụt rè trong vấn đề mở cửa giáo dục mà cần tận dụng tốt cơ hội hội nhập, mà trước mắt là từ cộng đồng kinh tế chung ASEAN để thay đổi, tăng chất lượng dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của ngành giáo dục. Lĩnh vực giáo dục còn rất nhiều dư địa, Việt Nam cần phải tận dụng nó làm tiền đề tăng trưởng khi hội nhập”, bà Hương nói.
Thừa nhận rằng, khi đón làn sóng FDI vào giáo dục cũng có nghĩa là nền giáo dục trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, chính sự cạnh tranh này buộc nền giáo dục trong nước sẽ phải có những thay đổi nhất định để không bị tụt hậu như chuyển qua chế độ học tín chỉ, cải tổ toàn bộ cách dạy ngoại ngữ trong trường… “Đầu tư vào giáo dục – đào tạo cũng đồng nghĩa với việc phải đầu tư một lượng vốn khổng lồ trong một thời gian tương đối dài. Vì vậy, VN cần thúc đẩy hơn nữa việc xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển ngành giáo dục – đào tạo nước nhà là lựa chọn đúng đắn” – ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH – ĐT chia sẻ.
Theo Enternews