FDI quý I: Kỳ vọng trong quan ngại!
Khác với những dự báo đầy kỳ vọng tích cực vào một năm bứt phá mạnh mẽ của dòng vốn FDI tại Việt Nam, diễn biến thu hút FDI trong 3 tháng đầu năm lại cho thấy sự sụt giảm khá mạnh về cả lượng vốn đăng ký mới và tăng thêm. Kết quả này chắc hẳn sẽ không làm hài lòng những người quan tâm đến hoạt động đầu tư ở Việt Nam nhất là trong bối cảnh, Việt Nam đang nỗ lực đàm phán ký kết hàng loạt FTA thế hệ mới có chất lượng hội nhập cao.
[caption id="attachment_3708" align="aligncenter" width="837"]
Vốn đăng ký hụt hơi
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, theo các báo cáo nhận được, tính riêng từ đầu năm 2015 đến 20/3/2015, cả nước có 267 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 1,21 tỷ USD, bằng 59,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Đồng thời, có 102 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 621,12 triệu USD, bằng 48,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Tính chung trong quý I/2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,837 tỷ USD, bằng 55,1% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, trong quý này, số lượt dự án cấp mới và tăng vốn đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014, tuy nhiên do không có các dự án quy mô lớn như cùng kỳ năm 2014 vì vậy số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm vẫn giảm so với cùng kỳ.
Về vốn thực hiện, trong quý I/2014, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 3,05 tỷ USD, tăng 7% với cùng kỳ năm 2014.
Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong quý I/2015 dự kiến đạt 25,08 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu của khu vực FDI quý I/2015 đạt 23,09 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 62% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong quý I/2015, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 1,98 tỷ USD. Xét theo lĩnh vực đầu tư, trong quý I/2015 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 14 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 115 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 1,4 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 202,93 triệu USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ sửa chữa với 38 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 123,36 triệu USD.
Trong quý I/2015, có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 491,05 triệu USD, chiếm 26,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.
BritishVirgin Islands đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 351,59 triệu USD, chiếm 19,1% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 294,36 triệu USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 28 tỉnh thành phố, trong đó, TP. HCM là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 540,24 triệu USD, chiếm 29,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 235,21 triệu USD, chiếm 12,8%. Bình Dương đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 140 triệu USD.
Một số dự án lớn được cấp phép trong quý I/2015 gồm: Dự án Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do nhà đầu tư BritishVirginIslands đầu tư tại TP. HCM với mục tiêu sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp.
Dự án Công ty TNHH KMW Việt Nam tổng vốn đầu tư 100 triệu USD do nhà đầu tư Hàn Quốc tại tỉnh Hà Nam với mục tiêu sản xuất sx thiết bị viễn thông sử dụng vô tuyến điện, thiết bị đèn LED chiếu sáng.
Dự án Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam tại Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư 90 triệu USD dự án này do nhà đầu tư Hồng Kông với mục tiêu sản xuất các loại áo lót và quần lót nữ. Dự án Công ty TNHH Vina Nam Phú tại TP.HCM đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, do nhà đầu tư Singapore liên doanh với Công ty CP Kiến Thịnh và Công ty CP Tư vấn Bất động sản Bi Vi; dự án được đầu tư với số vốn là 60,9 triệu USD.
Có đáng quan ngại?
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, nguyên nhân chính của việc vốn FDI trong quý I2015 sụt giảm mạnh là do thiếu vắn các dự án có quy mô lớn. Đồng thời, khá nhiều doanh nghiệp ngoại đang có khuynh hướng chờ đợi Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 với kỳ vọng môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ tốt hơn, thông thoáng hơn.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, dự báo năm 2015 vốn đăng ký FDI khoảng 18 tỷ USD, thậm chí tốt hơn và vốn giải ngân kỳ vọng đạt 12 tỷ USD chưa tính đột biến với trào lưu hội nhập và cải cách thủ tục có thể còn hơn thế.
Cùng quan điểm tương tự, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho rằng, việc sụt giảm mạnh vốn FDI trong quý I không thực sự nghiêm trọng như nhiều người đang lo lắng.
Bởi lẽ, theo ông Toàn, chúng ta không thể lấy kết quả FDI một quý để đánh giá cả năm được. Chúng ta có thể lạc quan về triển vọng của FDI trong năm 2015 và 2016, đặc biệt là trong năm 2015 có thể được coi là năm bản lề của FDI ở Việt Nam với những yếu tố không thể thuận lợi hơn bởi hai lý do quan trọng.
Thứ nhất, 2 bộ luật đặc biệt quan trọng là Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây với rất nhiều quy định cởi mở, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thứ hai, Việt Nam đang nỗ lực đàm phán hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như: FTA với Hàn Quốc, EU hay TPP… Theo đánh giá của ông Toàn, nhiều hiệp định đang được đàm phán trong đợt này thuộc loại hiệp định thương mại thế hệ mới có chất lượng cao với những cam kết ở mức cao nhất về tự do thương mại. Do đó, nếu các hiệp định này được ký kết, chắc chắn dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng theo.
“Chính sách thông thoáng hơn sẽ tạo một cú hích lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc ra quyết định đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các FTA với Hàn Quốc, EU hay TPP sẽ đem lại cho Việt Nam dòng vốn FDI chất lượng cao từ EU, Mỹ. Theo tôi, nếu không có sự cố mang tính đột biến, kết quả thu hút FDI của năm 2015 ít nhất là ngang bằng với năm 2014 và nhiều khả năng sẽ cao hơn”, ông Toàn khẳng định.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc đầu tư nước ngoài giảm sút tới - 45% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó cấp mới giảm - 40,6%, tăng vốn giảm -51,8% là một diễn biến rất đáng chú ý, cần chú ý theo dõi trong thời gian tới.
“Nếu xu thế này tiếp tục trong quý II thì đấy là một điều rất đáng quan ngại. Theo tôi, ngay từ bây giờ cần nghiên cứu nghiêm túc các vấn đề về môi trường đầu tư, kinh doanh như Báo cáo PCI 2014 do VCCI vừa công bố”, ông Doanh cho biết.
Thực tế, những lo ngại của vị chuyên gia kinh tế này không phải là không có cơ sở. Bởi lẽ, liên quan đến hoạt động thu hút FDI trong suốt gần 3 thập kỷ qua vẫn cho thấy những mặt hạn chế mang tính cố hữu rất khó có thể thay đổi được.
TS.Lê Đăng Doanh cho biết, những yếu kém về thể chế và tham nhũng đã làm môi trường kinh doanh của Việt Nam xấu đi. Trong đó đáng chú ý là xếp hạng về “đút lót” trong xuất nhập khẩu xếp 121, thấp hơn nhiều xếp hạng thể chế chung.
Ngoài ra, xếp hạng về đút lót trong quyết định tư pháp cũng rất thấp, xếp hạng về công khai trong xây dựng chính sách của chính phủ chỉ xếp thứ 116.
“Không nghi ngờ gì nữa, yếu kém về thể chế và tham nhũng đã làm giảm năng lực cạnh tranh và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam", TS. Doanh nêu quan điểm.
Một kết quả khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, khoảng 50% doanh nghiệp FDI trước khi chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước khác chủ yếu là Trung Quốc (20,5%), Thái Lan (18%) và Campuchia (13,9%). Bản báo cáo đánh giá, những tỷ lệ này đều tăng so với năm 2013 cho thấy Việt Nam không còn là điểm đến được ưu ái nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn 2007-2010 mà hiện giờ phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và một số nước mới nổi như Lào, Philippines… Báo cáo cũng cho biết, trong số nhà đầu tư cân nhắc địa điểm đầu tư, 83% đã chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác trong khi có 17% đầu tư vào Việt Nam như một phần của chiến lược đầu tư đa quốc gia. Đặc biệt, theo khảo sát của VCCI, các doanh nghiệp FDI đều chia sẻ cảm nhận chung là môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn về tham nhũng và chi phí không chính thức, chất lượng dịch vụ hành chính công như giáo dục, y tế và dịch vụ tiện ích và chất lượng của cơ sở hạ tầng.
Theo NĐT