Dựa vào đâu mà ông Dương Công Minh tin Sacombank sẽ xử lý được 20.000 tỷ đồng nợ xấu năm nay?
Liên quan tới khoản nợ của ông Trầm Bê, chủ tịch Sacombank cho biết 43.000 tỷ đó không phải ông Bê nợ mà là tổng giá trị tài sản đảm bảo của các tổ chức và cá nhân vay vốn mà ông Trầm Bê nhận trách nhiệm xử lý.
[caption id="attachment_58555" align="aligncenter" width="660"]
Ngày 31/7, thông tin ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang, cựu lãnh đạo Ngân hàng Sacombank bị khởi tố và bắt tạm giam đã thu hút sự chú ý của giới tài chính cũng như toàn thị trường. Trước một số lo ngại có hay không sự ảnh hưởng tới hoạt động của Sacombank - một trong những ngân hàng lớn nhất hệ thống các ngân hàng cổ phần tư nhân hiện nay, lãnh đạo nhà băng này cho biết việc các cựu cán bộ bị bắt giữ không ảnh hưởng gì tới ngân hàng.
Xoay quanh những câu chuyện liên quan đến tình hình Sacombank đang được nhiều người quan tâm, chúng tôi đã liên hệ phỏng vấn với ông Dương Công Minh, chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng.
Phóng viên: Xin ông cho biết, sau khi ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, tình hình giao dịch tại Sacombank như thế nào?
Ông Dương Công Minh: Qua theo dõi tình hình trong 3 ngày gần đây, chúng tôi thấy các chỉ số huy động và cho vay tại các điểm giao dịch không có diến biến bất thường, những biến động tăng giảm theo nhu cầu thực tế hàng ngày của khách hàng.
Sau khi sự việc xảy ra, cũng có một số khách hàng băn khoăn thắc mắc, nhân viên chúng tôi đã giải thích rõ ràng là sự việc hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hoạt động của ngân hàng. Mọi quyền lợi của khách hàng chắc chắn được đảm bảo. Sacombank luôn có các phương án dự phòng trong mọi tình huống theo thông lệ quản trị rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng theo dõi sát sao và sẵn sàng hỗ trợ Sacombank khi cần thiết. Vì vậy, hầu hết khách hàng đều an tâm tiếp tục giao dịch với Sacombank.
Trả lời trên VTV ngày hôm qua, ông có đề cập đến số nợ liên quan tới ông Trầm Bê tại ngân hàng Sacombank lên tới 43.000 tỷ. Xin ông giải thích rõ hơn?
Con số 43.000 tỷ đồng là tổng giá trị tài sản bảo đảm của các tổ chức và cá nhân vay vốn mà ông Trầm Bê nhận trách nhiệm xử lý, trong đó 33.000 tỷ đồng là bất động sản và 10.000 tỷ đồng là cổ phiếu. Còn dư nợ của những khách hàng này tại Sacombank là 35.400 tỷ đồng, chỉ chiếm 81% giá trị tài sản bảo đảm.
Trong tổng dư nợ thì có những khoản nợ trong hạn, những khoản nợ cơ cấu và nợ quá hạn đã được phân loại cụ thể để xử lý phù hợp. Chi tiết các khoản này đã được báo cáo đầy đủ trong Đề án tái cơ cấu Sacombank đã được NHNN phê duyệt.
Ông có thể nói rõ hơn về các tài sản đảm bảo này cũng như cách thức xử lý?
Tài sản đảm bảo của các khoản vay nói trên phần lớn là các bất động sản tại các khu trung tâm thương mại quận 1, quận 3, quận 5 và những dự án có quỹ đất lớn ở các vị trí đắc địa tại các cửa ngõ quan trọng của TP.HCM như quận 8, quận 9, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh, tỉnh Long An…
Thị trường bất động sản đang phát triển tích cực là điều kiện thuận lợi để xử lý nhanh các tài sản này. Đặc biệt, đang có nhiều nhà đầu tư và đối tác lớn có kinh nghiệm quan tâm và đặt vấn đề chuyển nhượng các bất động sản và Sacombank đang trong quá trình đàm phán để sớm xử lý nhanh với nguyên tắc minh bạch, công khai và đảm bảo hiệu quả tối đa cho ngân hàng. Do đó, thời gian xử lý các khoản vay này dự kiến khoảng từ 3 - 5 năm.
Với định hướng rõ ràng và tiềm năng của thị trường bất động sản, chúng tôi tự tin sẽ xử lý và thu hồi các khoản vay này theo lộ trình của Đề án. Mục tiêu đến cuối năm 2017 sẽ xử lý được khoảng 20.000 tỷ đồng như đã công bố.
Ông ngồi vào ghế nóng ở Sacombank đã được tròn 1 tháng, xin hỏi tình hình kinh doanh của ngân hàng trong tháng 7 cũng như 7 tháng đầu năm thế nào?
Kết thúc 7 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh của Sacombank vẫn bình thường, hầu hết các chỉ tiêu đều có sự tăng trưởng ổn định và theo sát tiến độ kế hoạch. Cơ cấu các nguồn thu nhập của Sacombank tiếp tục có chuyển biến tốt, đặc biệt là thu từ hoạt động tín dụng.
Do đó, riêng tháng 7, lợi nhuận của Sacombank trước trích lập dự phòng và các khoản chi phí trích trước là 552 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 159 tỷ đồng, tăng 88 tỷ đồng so với bình quân 6 tháng trước, lũy kế 7 tháng là 587 tỷ đồng, đạt 142% kế hoạch đề ra cho cả năm.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong tháng 7 đạt 175 tỷ đồng, tăng 79 tỷ đồng so với bình quân 6 tháng trước. Lũy kế 7 tháng là 754 tỷ đồng, đạt 129% kế hoạch. Tôi cho rằng khả năng đến cuối năm lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Về hoạt động tín dụng cũng như xử lý nợ xấu, đến cuối tháng 7 tín dụng đạt 218.572 tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm. Tín dụng tăng trưởng tốt nhằm tiếp tục hỗ trợ các khách hàng tháo gỡ khó khăn về vốn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Sacombank chú trọng trong công tác kiểm soát chất lượng tín dụng, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nợ bán VAMC và tài sản tồn đọng. Trong 7 tháng đầu năm, ngân hàng đã xử lý được khoảng 2.530 tỷ đồng nợ xấu, thu hồi 420 tỷ đồng nợ bán VAMC, thanh lý gần 1.200 tỷ đồng tài sản nhận cấn trừ nợ.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Theo Trí thức trẻ