Dư nợ 70 tỷ Yên, ACV "khóc ròng" khi chính sách Abenomics không phát huy hiệu quả

Theo báo cái tài chính kiểm toán năm 2015 của ACV, tại thời điểm 31/12/2015, ACV có dư nợ bằng đồng yên Nhật là 70,62 tỷ yên. Với dư nợ này, nếu JPY tăng 1%, ACV sẽ chịu lỗ tỷ giá hơn 150 tỷ đồng. Với mức tăng 17% từ đầu năm, ACV lỗ tỷ giá đồng yên hơn 2.140 tỷ.

Chiến thắng của bên bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khu vực châu Âu đã gián tiếp “tát” một cú trời giáng vào chính sách Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Bắt đầu triển khai từ năm 2013, chính sách Abenomics của Thủ tướng Nhật với chiến lược 3 mũi tên bao gồm thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng nhằm kích cầu đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát. Thậm chí tháng 1/2016 lần đầu tiên Nhật Bản áp dụng chính sách lãi suất âm. Mặc dù vậy, bất ổn kinh tế toàn cầu đã khiến cho chính sách Abenomics gần như không phát huy hiệu quả, từ đầu năm đến nay đồng Yên tăng 18% khi dòng vốn khắp nơi trên thế giới tìm nơi an toàn để trú ẩn.

Sau vụ Brexit, đồng Yên đã tăng giá mạnh so với USD, đạt mức đỉnh 2 năm rưỡi, hiện xuống còn 102,7 yên 1 USD. Điều này là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách Nhật trong bối cảnh xuất khẩu của nước này đã suy yếu do sự đi xuống của nhu cầu toàn cầu.

Ở thị trường trong nước, khi nhắc đến đồng Yên Nhật tăng giá các nhà đầu tư thường nghĩ ngay đến PPC – CTCP Nhiệt điện Phả Lại, tuy nhiên một doanh nghiệp có “nỗi đau tỷ giá” nhiều gấp bội PPC lại là Tổng CTCP Cảng hàng không (ACV).

JPY-VND

Theo báo cái tài chính kiểm toán năm 2015 của ACV, tại thời điểm 31/12/2015, ACV có dư nợ ngắn hạn 307,8 tỷ đồng và dư nợ dài hạn 13.118 tỷ đồng, tổng dư nợ là 13.426 tỷ đồng. Trong đó tổng dư nợ bằng đồng yên Nhật là 70,62 tỷ yên bao gồm 19 tỷ Yên vay bằng nguồn vốn ODA cho dự án xây dựng nhà ga Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất với lãi suất 1,6%/năm, còn lại là các khoản vay ODA với lãi suất 0,3-0,5%/năm, thời gian trả nợ 30-40 năm cho dự án xây dựng nhà ga Quốc tế Nội Bài T2.

Với dư nợ này, nếu JPY tăng 1%, ACV sẽ chịu lỗ tỷ giá hơn 150 tỷ đồng. Nếu chiếu theo tỷ giá Vietcombank, đầu năm nay tỷ giá đồng yên Nhật ở mức 186 đồng/jpy, ở thời điểm hiện tại tỷ giá ở mức 216,33 đồng/jpy, tăng 16,3%, tương đương tăng 30,33 đồng/jpy. Như vậy trong 6 tháng đầu năm 2016, ACV lỗ tỷ giá đồng yên hơn 2.140 tỷ đồng, chưa tính các khoản vay của EUR và USD.

Aeroport-HN

Năm 2015, ACV hạch toán 666 tỷ vào chi phí tài chính do lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện, điều này khiến lợi nhuận sau thuế năm 2015 của ACV chỉ đạt 1.753 tỷ, giảm 33% cùng kỳ 2014.

Năm 2016, ACV đặt kế hoạch lãi trước thuế 2.056 tỷ đồng, nhưng với diễn biến tỷ giá như hiện tại kéo dài đến hết năm, đồng yên sẽ lấy đi toàn bộ lợi nhuận của ACV trong năm nay.

Ngày 30/5/2016 ACV đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký lưu ký tập trung và đăng ký giao dịch trên Upcom, dự kiến tháng 7 tới đây Tổng công ty này sẽ chính thức giao dịch trên sàn Upcom.

Bên cạnh ACV, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) dự kiến lại chịu thiệt hại do hệ quả của Brexit. PPC hiện có khoản vay bằng đồng Yên vào khoảng 24 tỷ Yên. Nếu đồng Yên cứ tăng giá 1%, công ty có thể ghi nhận mức lỗ 48 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.

Tuy nhiên, "nỗi đau" không chỉ dừng lại ở đây bởi chưa có một dấu hiệu nào cho thấy đồng Yên sẽ không có khả năng tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Đã có thời điểm trong lịch sử xảy ra 80 yên ăn 1 USD, nếu trong trường hợp Fed tăng lãi suất và những bất ổn trên thị trường tài chính xảy ra (nếu có) sau khi Brexit được thông qua, dòng vốn sẽ tiếp tục tìm đến nơi trú ẩn an toàn như yên Nhật hay vàng.

Mặc dù vậy, Reuters cho biết Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara cho biết các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản vẫn giữ tâm thế sẵn sàng ứng phó trong trường hợp đồng yen bất ngờ tăng giá và có thể gây tổn hại đến nền kinh tế. Theo nguồn tin của Reuters, Tokyo sẵn sàng chi ít nhất 10.000 tỷ yen (98 tỷ USD) do những lo ngại về lĩnh vực xuất khẩu, nhu cầu nội địa và các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Vương quốc Anh.

Ngày 30/6/2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (Tổng Công ty).Công ty hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần số 0311638525 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. HCM cấp đăng ký lần đầu ngày 22/3/2012, thay đổi lần thứ 6 ngày 1/4/2016 với vốn điều lệ là 21.771 tỷ đồng.

Theo NDH

Tags:

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video