Đổi đất lấy hạ tầng: “Cứu cánh” cho doanh nghiệp bất động sản thiếu quỹ đất

Bài toán nan giải của nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện này là thiếu dự án gối đầu và chưa có kế hoạch cụ thể về việc gia tăng quỹ đất. Trước tình hình này, một số doanh nghiệp đã hướng đến việc đầu tư dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT).

Đơn cử, tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, HĐQT Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng (mã CK: VPH) cho biết năm 2017 sẽ thực hiện liên danh với một đối tác triển khai đầu tư một dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT) tại TP HCM với quy mô khoảng 400 tỷ đến 500 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện Công ty Vạn Phát Hưng chưa công bố cụ thể là dự án nào.

Trong năm 2016, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã CK: CII) cũng được UBND TP HCM giao 90.078,3 m2 đất sử dụng ổn định lâu dài (để xây dựng nhà ở) và 6.053,6 m2 đất sử dụng 50 năm (để xây dựng văn phòng cho thuê) tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Đây là quỹ đất trị giá hơn 2.300 tỷ đồng thanh toán cho dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm đến đường Mai Chí Thọ) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Mới đây, CII đã chọn Hong Kong Land là đối tác phát triển dự án.

[caption id="attachment_52185" align="aligncenter" width="700"] Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm[/caption]

Hồi cuối năm 2016, liên danh Công ty cổ phần Fecon (mã CK:FCN) - Công ty cổ phần phát triển và tài trợ địa ốc R.C (Refico) - Công ty cổ phần xây dựng Coteccons (mã CK: CTD) - Công ty cổ phần đầu tư xây dựng BMT cũng được UBND TP HCM duyệt đề xuất dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 9 (đoạn từ cầu Rạch Tra đến Tỉnh lộ 8) thuộc xã Bình Mỹ huyện Củ Chi theo hình thức hợp đồng.

Dự kiến tiến độ thi công xây dựng công trình là 2 năm (2017-2019), nhà đầu tư sẽ nhận được quỹ đất tương ứng với tổng vốn đầu tư khoảng trên 1.000 tỷ đồng.

[caption id="attachment_52184" align="aligncenter" width="700"] Vị trí Tỉnh lộ 9[/caption]

Đề xuất dự án nút giao thông kết nối đường Tân Tạo - Chợ Đệm với Khu y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM của Liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1 - TNHH MTV (CC1) và Công ty CP Đầu tư xây dựng Lương Tài (mã CK: LUT) cũng đã được UBND TP.HCM phê duyệt.

Dự án có tổng vốn đầu tư tạm tính hơn 425 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BT). UBND TP.HCM cho biết, phương án thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất và một phần bằng tiền.

Tiềm năng cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đổi đất lấy hạ tầng vẫn còn rộng mở vì theo Sở Tài chính TP HCM, trong thời gian tới TP sẽ đẩy mạnh sắp xếp lại quỹ đất dôi dư với 1.033 mặt bằng nhà đất (khối Thành phố 245 mặt bằng, khối quận huyện 788 mặt bằng) để làm nguồn cho các dự án BT.

Mặt khác, trên địa bàn TP HCM hiện có 12 địa chỉ nhà đất chưa thu hồi, chiếm tổng diện tích hơn 49.000 m². Đơn cử như Văn phòng Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Cao su Bến Thành, Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn, một phần diện tích Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Công ty Công trình giao thông 60 của Bộ GTVT. Đây đều là những khu đất vàng, giá trị thị trường rất lớn...

Đồng thời tại các huyện Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn, qua rà soát đã cho thấy có tới 263 địa chỉ nhà đất cần rà soát lại.

Theo Duy Khánh - NDH

Tags:

Đề xuất đáng lưu ý về nhà ở xã hội

Nhu cầu cấp thiết của người dân với loại hình nhà ở xã hội (NƠXH), nhất là với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, người lao động trong các khu công nghiệp, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… xưa nay vẫn luôn là một vấn đề “nóng” trong xã hội. Vì vậy, sau khi một báo cáo đề xuất của UBND TP Hà Nội được công bố mới đây, không chỉ người dân, mà chính quyền nhiều tỉnh, thành khác cũng rất quan tâm, trông đợi.

Video