Doanh nghiệp mì ăn liền: “Chua cay” con đường tăng trưởng

Duy trì thị trường mì ăn liền hơn 5 tỷ gói mỗi năm cùng doanh thu hàng nghìn tỷ đang ngày càng trở nên khá chua cay với các doanh nghiệp ngành FMCG (Fast Moving Consumer Goods – Hàng tiêu dùng nhanh).

Tìm hướng tăng trưởng tốt hơn trở thành nhiệm vụ cấp thiết của những “ông lớn” trước nguy cơ bão hòa tiêu thụ.

So-lieu-nganh-mi

Trong số các doanh nghiệp ngành mì lớn đang hiện diện ở Việt Nam, Acecook Việt Nam có lịch sử lâu đời và nắm giữ thị phần lớn nhất, dao động trong nhiều năm ở mức 43-51%, doanh thu tiêu thụ ước khoảng 10.000 tỷ đồng/ năm, bao gồm cả xuất khẩu.

Có tăng trưởng nhưng chưa… ăn thua

Năm 2016, ông Nuda Hideo, GĐ Khối kế hoạch Công ty này cho biết Acecook Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng, với khoảng 2,9 tỷ gói mì. So với 2015, 6 tháng đầu năm 2016 Acecook Việt Nam có mức tăng trưởng trở lại về tổng sản lượng tiêu thụ (1,3 tỷ gói, tương đương tăng 9% so với cùng kì năm trước), đặc biệt mức tăng trưởng ở một số dòng sản phẩm nhanh đột biến như mì ly đạt tăng trưởng 45%, Hảo Hảo tăng 8,5%, các sản phẩm có gốc gạo tăng 25%…

Cần lưu ý là mỳ ăn liền hiện vẫn chiếm tới 80% tỷ trọng doanh thu chung của Acecook. Những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn của thị trường như Masan Consumer, Uniben (Việt Hưng), Á Châu Food… cũng đều đang có tỷ trọng doanh thu tập trung ở mì ăn liền dạng gói. Do đó, sự tăng trưởng của một số mặt hàng mới nhìn chung chưa thể đẩy một cỗ máy tiêu thụ toàn thị trường đang ì ạch bởi khối sản phẩm chính đạt mức bão hòa.

Đâu là đòn bẩy thị trường?

Đại diện Acecook Việt Nam cho biết thị trường tiêu thụ mì Việt Nam chỉ cần tăng cơ học 1% đã có thể thúc đẩy tăng thêm lượng người tiêu thụ mới 1 triệu người. Hiện họ đã tự đặt cho mình “trọng trách” của người dẫn đầu là truyền thông cho người tiêu dùng hiểu hơn về quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm mì ăn liền.

Đây có lẽ sẽ là “cuộc chiến” thông tin khá dài hạn của người dẫn đầu trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, trong đó sự xuất hiện nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm “sạch”, có nguồn gốc organic hoặc hoàn toàn tự nhiên đang được nhiều người lựa chọn.

Theo một chuyên gia, việc Acecook Việt Nam tự đặt trọng trách cho mình về truyền thông là một tín hiệu tích cực cho mức tiêu thụ sản phẩm ngành. Cái lợi mà doanh nghiệp được hưởng sẽ chia gần như đồng đều cho các doanh nghiệp trên thị trường. TGĐ Acecook Việt Nam, ông Kajiwara Junichi cho biết, bên cạnh truyền thông “định hướng thông tin”, Công ty sẽ phát triển mạnh dòng sản phẩm mì ly – với hướng chọn phân khúc giữa của 2 dòng đang bán chạy là Enjoy (cao cấp), Modern (trung bình) ra mắt trong tháng 7 này.

Bài toán “bỏ trứng nhiều giỏ” của Masan

Doanh nghiệp chiếm thị phần lớn thứ 2 thị trường là Masan Consumer. Trong khoảng 4 năm, Công ty con của tập đoàn Masan đã bứt phá từ mức 16% lên 20%, thậm chí có lúc vượt ngưỡng tới 22% thị phần mì ăn liền Việt Nam. Xét tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong ngành cho thấy đây là 1 ông lớn “đáng gờm”.

Đáng tiếc, nếu thời gian trước (2012-2014), Masan đã bứt phá ở cả tổng doanh thu lẫn đầu tư sản phẩm mới, nhất là dòng Kokomi thuộc phân khúc giá rẻ đã góp tốt cho tăng trưởng lĩnh vực F&B thì năm 2015, sự vượt mặt của Uniben – (Thực phẩm Việt Hưng) với dòng mì 3 miền cùng định vị khách hàng đã khiến Kokomi của Masan có phần chững lại. Số liệu từ Kantar WorldPanel cho biết năm 2015, thương hiệu mì 3 miền đã vươn lên vị trí số 3 trong danh sách các thương hiệu được tiêu dùng nhiều nhất tại khu vực nông thôn, cao hơn một bậc so với Kokomi của Masan Consumer.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ghi nhận Quý I/2016, tăng trưởng doanh thu từ mì và gia vị của Masan Consumer ở mức bão hòa, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Bộ phận nghiên cứu Công ty này cho rằng để phục hồi đà tăng trưởng, Masan Consumer cần tung ra thành công các sản phẩm mới, hoặc thâm nhập thành công vào thị trường Thái Lan thông qua hợp tác với Singha.

Sự bão hòa ở ngành hàng này của Masan là do xu hướng chung, nhưng cơ bản Công ty này đang “chuyển hướng chú ý” sang nhiều ngành hàng khác như thúc đẩy phát triển nhãn hàng Beer (Sư tử trắng), đầu tư cho các lĩnh vực như thức ăn có nguồn gốc đạm.

Masan Nutri-Science mới đây vừa mua cổ phẩn tăng tỷ lệ sở hữu tại Anco và Vissan. Theo đó, khác với các DN ngành mỳ khác, Masan Consumer đang hoạt động với đặc thù đầu tư phát triển đa ngành hàng, không chuyên biệt ngành mỳ và theo hình thức “bỏ trứng nhiều giỏ”.

Khả năng Masan Consumer tập trung cho ngành mỳ và tăng trưởng mạnh về thị phần như vậy cũng khó diễn ra. Các nhãn hàng có thị phần kế tiếp như Uniben hay Á Châu, gần đây có Kinh Đô với Đại Gia Đình… hay thậm chí khả năng duy trì và tiếp tục mở rộng thị phần của chính Acecook VN, đang nhìn sự “bão hòa” của chính Masan như một cơ hội.

Theo DĐDN

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video