Doanh nghiệp bất động sản nhọc nhằn thoát kiếp nợ nần
Hoành tráng là vậy nhưng không ít các đại gia bất động sản lừng lẫy một thời giờ đang vật lộn bán tài sản để mong muốn thoát kiếp nợ nần.
[caption id="attachment_75003" align="aligncenter" width="700"]
Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt Group) vừa thông qua chủ trương chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án The EverRich 2 (phường Phú Thuận, quận 7) và dự án The EverRich 3 (phường Tân Phú, quận 7) cho các nhà đầu tư để thanh toán các khoản trái phiếu, nợ vay của Phát Đạt và công ty, cá nhân có liên quan phát sinh tại DongA Bank.
Chung cảnh nợ nần
Việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ hai dự án The EverRich 2 (đã đổi tên thành River City - Thành phố ven sông) và The EverRich 3 sẽ được báo cáo tại Đại hội cổ đông công ty để thông qua trong phiên họp gần nhất, chậm nhất là tháng 4/2018.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Phát Đạt Group trần tình: “Việc bán đi quỹ đất trong năm 2017 chỉ là bài toán tái cơ cấu tình hình tài chính. Song song đó, công ty đã có kế hoạch bổ sung thêm quỹ đất bằng hình thức BT (đổi hạ tầng lấy đất). Ngoài ra, trong thời gian tới, Phát Đạt sẽ hướng tới phát triển bất động sản tiêu dùng như văn phòng, khách sạn, căn hộ dịch vụ cho thuê nhằm tạo thêm thanh khoản”.
[caption id="attachment_76092" align="aligncenter" width="700"]
Kế hoạch là vậy nhưng tính đến ngày 31/10/2017, số dư hàng tồn kho bất động sản của Phát Đạt tại các dự án là 7.280 tỷ đồng - chiếm hơn 80% tổng tài sản công ty. Riêng The EverRich 2 và The EverRich 3 tồn kho gần 7.000 tỷ đồng, chủ yếu là tiền bồi thường đất và chi phí xây dựng, chi phí thiết kế.
Cùng chung cảnh ngộ nợ nần chồng chất, mới đây, Tập đoàn Khang Thông phải bán khu giải trí hơn 300ha cho một nhà đầu tư nước ngoài. Happyland cũng là một dự án đứng đầu danh sách các dự án gây nhiều "đau đầu" nhất cho tỉnh Long An vì tiến độ triển khai quá chậm sau 6 năm khởi công.
Giữa năm 2016, Ngân hàng Xây dựng cũng từng thông báo khởi kiện Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang về khoản nợ xấu 3.000 tỷ đồng và “giam lỏng” nhiều tài sản thế chấp từng được định giá khoảng 14.000 tỷ đồng, trong đó bất động sản chiếm 98% giá trị.
Lãnh đạo công ty từng tự tin cho biết, chiến lược đầu tư của Công ty Bất động sản Phương Trang là nhắm đến phân khúc căn hộ trung và cao cấp, biệt thự, đất nền và trung tâm thương mại phức hợp.
Sau khi kết hợp cùng nhiều công ty địa ốc thành lập sàn giao dịch bất động sản, Phương Trang tiếp tục mạnh tay đổ vốn vào những dự án có tổng mức đầu tư xấp xỉ hàng chục nghìn tỷ, như khu căn hộ Đà Nẵng Plaza, khu đô thị sinh thái biển Phương Trang - Vịnh Đà Nẵng… nhưng hầu hết đều không thành công.
Đáng chú ý nhất trong số này là dự án căn hộ cao cấp New Pearl trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) từng có giá chào bán hơn 90 triệu đồng một m2. Đây được đánh giá là mũi nhọn trong kế hoạch phát triển mảng bất động sản, tuy nhiên dự tính này sớm đổ vỡ khi công ty phải chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với giá trị khoảng 20 triệu USD.
Cũng bán dự án vì sợ phải “cõng nợ”, Công ty CP Phát triển hạ tầng và BĐS Thái Bình Dương (PPI) đang tìm nhà đầu tư để hợp tác hoặc chuyển nhượng 2 dự án tại quận Thủ Đức. Đó là dự án khu phức hợp ven sông Sài Gòn Water Garden và dự án PPI Tower.
Còn hơn nằm chờ... chết
Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước có gần 30 giao dịch chuyển nhượng các dự án về thương mại, khu phức hợp, nhà ở, với tổng giá trị giao dịch khoảng 800 triệu đô la Mỹ. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chiếm đến 68% tổng giá trị thị trường M&A.
Chia sẻ với DĐDN, một doanh nghiệp địa ốc than thở: “Kinh doanh bất động sản mà phải bán rẻ dự án là điều đau đớn lắm nhưng không còn cách nào khác vì chúng tôi đã không thể nằm đó... chờ chết. Phải tìm đường giải thoát. Nếu không bán dự án, doanh nghiệp sẽ không có vốn để tiếp tục thực hiện dự án khác, trong khi nợ ngân hàng phải trả với lãi suất cao đang hối thúc từng ngày” - giám đốc một DN BĐS có tiếng tại TPHCM nói.
Chuyên viên tư vấn Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa phân tích, số lượng dự án bất động sản xếp hàng chào bán để thu hồi vốn trên thị trường đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, việc chào bán toàn bộ hoặc từng phần các dự án có thành công hay không nằm ở khả năng chịu lỗ và chiến lược riêng của doanh nghiệp. Với những chủ đầu tư sẵn sàng bán tháo với tỷ lệ chịu lỗ sâu và kiên quyết đẩy hàng đi để tìm cơ hội mới thì vẫn nắm được cơ hội. Song, nếu bên bán không chấp nhận cắt lỗ mạnh tay vì nhiều lý do thì ngay cả đàm phán lần đầu cũng không có.
Ông Nghĩa đánh giá, dữ liệu từ nhóm khách hàng tổ chức GIBC đã tiếp cận trong 3 năm qua, các quỹ đầu tư, đối tác trong và ngoài nước vẫn chưa tỏ ra thật sự mặn mà đầu tư vào các dự án bất động sản cũ. Họ chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu, khảo sát và thận trọng với các dự án bị đình trệ quá lâu hoặc dở dang nhưng phức tạp về pháp lý.
"Có thể vấn đề pháp lý cũng là lý do khiến những thương vụ thành công vẫn còn ít. Hầu như các dòng vốn chảy vào bất động sản đều tập trung ở những dự án mới, pháp lý an toàn hoặc có giá trị thương mại, dịch vụ cao", ông nói.
Nhiều ý kiến lo ngại thị trường M&A đang mở ra cơ hội cho các chủ đầu tư rao bán dự án trả nợ, xoay dòng đồng vốn kinh doanh, giúp phá vỡ “tảng băng tồn kho” vốn tồn tại nhiều năm của thị trường. Tuy nhiên, việc nhiều dự án bất động sản lần lượt rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại lại dấy lên nỗi lo thâu tóm và tốc độ tăng giá nhà vượt quá khả năng sở hữu của đa số người dân trong nước.
Theo Thiên Bình DĐDN