ĐHĐCĐ bất thường CII: Thuận theo cổ đông, giá phát hành hạ xuống 10.000 đồng/cp

Cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu được tự do chuyển nhượng trong khi chào bán riêng lẻ bị hạn chế một năm. Sau chào bán và phát hành riêng lẻ, dự kiến vốn điều lệ CII đạt 4.206 tỷ đồng.

Tăng vốn để đầu tư dự án mới và không rớt khỏi VN30

Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (Mã: CII) sáng 6/9 tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua phương án chào bán hơn 123 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ 17,7 triệu cổ phiếu cho Quỹ Đầu tư Rhinos Asset Management hoặc đơn vị được ủy thác bởi Quỹ này (gọi chung là RAM).

Theo đó, CII dự kiến chào bán 123,12 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền mua 2:1.

Cổ phiếu chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu được tự do chuyển nhượng. Cổ đông sở hữu quyền mua chỉ được chuyển nhượng quyền mua một lần, người nhận chuyển nhượng quyền mua không được chuyển nhượng tiếp cho bên thứ ba.

Tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu hoặc số tiền tối thiểu thu được từ đợt chào bán là 50% hoặc 923,4 tỷ đồng để đảm bảo nhu cầu vốn phục vụ cho các dự án như BOT cầu đường Bình Triệu 2, Cụm cao ốc số 152 Điện Biên Phủ, trả nợ vốn ngân hàng và góp vốn vào các công ty.

Sau khi chào bán thành công cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, CII còn thực hiện chào bán 17,71 triệu cổ phần riêng lẻ cho quỹ RAM. Giá chào bán 26.040 đồng/cổ phiếu với tổng vốn huy động dự kiến 461,3 tỷ đồng. Thời gian chào bán trong quý I/2018.

Trường hợp RAM không mua hoặc mua không hết số lượng cổ phiếu mới chào bán riêng lẻ cho RAM thì phần cổ phiếu còn lại sẽ bị hủy bỏ.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. RAM không được chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu phát hành từ đợt chào bán riêng lẻ này.

Số tiền thu được từ đợt chào bán riêng lẻ sẽ được sử dụng vào việc đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc, hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức BT Thủ Thiêm do CII làm chủ đầu tư.

Sau chào bán và phát hành riêng lẻ, dự kiến vốn điều lệ CII đạt 4.206 tỷ đồng.

Nói về nguyên nhân tăng vốn, theo CII, trong thời gian tới, việc giải ngân vốn đầu tư sẽ chỉ tập trung vào một số dự án quy mô lớn, mang lại hiệu quả như Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội, Cụm cao ốc 152 Điện Biên Phủ, các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2... Công ty cũng sẽ thực hiện mua cổ phiếu CTCP Đầu tư Cầu đường CII (CII B&R) và CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) để duy trì tỷ lệ sở hữu.

Về quy mô Công ty, với chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ngày càng nhiều đơn vị có quy mô lớn niêm yết HOSE nên nếu CII không nâng cao năng lực vốn chủ sở hữu thì khó đảm bảo cổ phiếu CII tiếp tục nằm trong nhóm VN30.

Đồng thời, theo thông tư số 55 của Bộ Tài chính, nhà đầu tư phải đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư theo quy định. Trường hợp tại cùng một thời điểm, nhà đầu tư tham gia nhiều dự án thì phải đảm bảo tổng số vốn chủ sở hữu đáp ứng đủ cho toàn bộ số vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cam kết thực hiện cho tất cả các dự án theo quy định.

Vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6/2017 của CII là 2.861 tỷ đồng. Với các dự án BOT, BT đang triển khai, phần vốn chủ sở hữu còn lại hiện nay của Công ty không đủ để tiếp tục đầu tư vào các dự án mới theo quy định về nguồn vốn chủ sở hữu.

Mới đây, Thủ tướng vừa chấp thuận chủ trương cho CII bổ sung một số công trình xây dựng hạ tầng vào Dự án BT Thủ Thiêm. Do đó, nếu CII không thực hiện tăng vốn thì sẽ không được điều chỉnh bổ sung, tăng quy mô đầu tư cho hợp đồng BT này.

Cổ đông "mặc cả" muốn hạ giá và tăng khối lượng phát hành

Trong phần thảo luận, cổ đông đề nghị xem xét điều chỉnh giá phát hành cho cổ đông hiện hữu từ 15.000 đồng/cp xuống 10.000 đồng/cp. Đồng thời, cổ đông đề nghị cổ tức năm 2018 tối thiểu phải là 16% bằng tiền, vì giai đoạn 2016 - 2017, cổ tức là 20%/năm bằng tiền.

Ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT cho biết vốn là yếu tố quyết định cho việc đầu tư vào các dự án. Ngay từ khi thành lập, CII đã phát hành cổ phiếu để có vốn 300 tỷ đồng. Việc tạo vốn đầu tư vào các dự án là việc phải làm, nhưng cần tính toán để bớt áp lực. Ví dụ CII từng phát hành các loại trái phiếu để kéo dài thời gian chi trả, lãi suất thấp hơn, cuối cùng mới là vay ngân hàng. Vay ngân hàng thì phải phụ thuộc vào vốn tự có.

Phát hành cổ phiếu giải quyết nhanh được vấn đề vốn, phát hành cổ phiếu càng lớn thì áp lực trả cổ tức cũng đi theo. Hiện nay các dự án đều không dưới 5.000 tỷ đồng, CII còn chuẩn bị đầu tư vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. CII E&C sẽ thực hiện dự án này, nhưng công ty mẹ CII cần bơm vốn.

Cổ đông khác nêu ý kiến tỷ lệ 2:1 là quá ít, nên tăng vốn 1:1 để có thể tăng vốn đáp ứng nhu cầu dự án. Cổ đông cũng đề nghị hạ giá phát hành từ 15.000 đồng/cp xuống 12.000 đồng/cp để đảm bảo lợi ích chung.

Về giá phát hành, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết giá phát hành 10.000 đồng/cp hay 15.000 đồng/cp thì CII là công ty của cổ đông đại chúng, tất cả cổ đông có quyền tham gia biểu quyết, không có quyền lợi cổ đông lớn chi phối quá nhiều. Việc phát hành 2:1 và giá phát hành 15.000 đồng/cp cũng tạo áp lực lớn cho cổ đông. Do đó ông Bình ủng hộ việc phát hành giá 10.000 đồng/cp và tỷ lệ 2:1.

Quay trở lại kiến nghị phát hành tỷ lệ 1:1, theo ông Bình, CII cần tiền tới đâu thì phát hành tới đó, các ngân hàng chán CII ở chỗ chẳng bao giờ có tài khoản tiền gửi. Nếu giờ phát hành 1:1, ôm cục tiền mà sử dụng không hợp lý thì không nên. Nếu có cơ hội làm các dự án lớn hơn thì lúc đó CII lại huy động vốn, tiền phải đẻ ra tiền, không đem đi gửi ngân hàng.

Ông Bình cũng thông tin quỹ RAM trả lời bằng email là không tham gia mua đợt này vì họ không được quyền đầu tư cổ phiếu ở Việt Nam. Đối với trái phiếu chuyển đổi của RAM, ông Bình tin rằng họ sẽ không đòi lại tiền mà thực hiện chuyển đổi.

Cổ đông đặt câu hỏi dự án khu Thủ Thiêm có vẻ chậm thực hiện, ông Bình nói dự án không chậm, tuy nhiên có hai vấn đề. Thứ nhất là còn vướng 26 hộ dân chưa GPMB được, thành phố đang xử lý. Thứ hai, liên quan dự án xây nhà để bán, thủ tục xin giấy phép xây dựng trong dự án BĐS quá kinh khủng, phải mất 12 - 18 tháng để lấy giấy phép xây dựng.

Kết thúc Đại hội, Nghị quyết thông qua phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Theo Khổng Chiêm - NDH

Tags:

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Video