Đại lý Mercedes lãi hơn 40 tỷ, muốn bán vốn cho Hàn Quốc

9 tháng đầu năm, Haxaco thu về 44 tỷ lãi ròng sau thuế nhờ tiền hoa hồng được chia từ hãng Mercedes Benz Việt Nam. Công ty cũng đang xem xét bán hơn 51% vốn cho đối tác ngoại.

Báo cáo kết quả kinh doanh mới công bố của Công ty CP Dịch vụ Ôtô Hàng Xanh (Haxaco) cho biết, sau 9 tháng từ đầu năm, nhà phân phối xe hơi này đã đạt tổng cộng 3.636 tỷ đồng doanh thu bán hàng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, riêng quý III, các cửa hàng phân phối xe Mercedes Benz của công ty đạt hơn 1.325 tỷ đồng doanh thu, tăng 16%. Tuy nhiên, số thu tăng chủ yếu ở mảng bán xe với biên lợi nhuận gộp thấp, khiến lãi gộp kỳ này giảm gần 19%, đạt 57 tỷ đồng. Bình quân trong quý III, biên lãi gộp các cửa hàng bán xe của Haxaco chỉ vào khoảng 4,3%, thấp hơn so với mức 6,1% của năm trước.

Lợi nhuận gộp giảm trong khi hầu hết chi phí phát sinh trong kỳ tăng do mở rộng hoạt động bán hàng, kết quả, Haxaco lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh chính gần 4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 19 tỷ đồng.

Dai ly Mercedes lai hon 40 ty, muon ban von cho Han Quoc hinh anh 1
Kinh doanh xe sang nhưng Haxaco thường xuyên phải nhờ đến tiền hoa hồng từ hãng Mercedes Benz Việt Nam mới thoát lỗ. Ảnh minh họa: Thế Anh.

Phải nhờ tới khoản thu nhập khác, chủ yếu là tiền thưởng đạt chỉ tiêu bán hàng và hỗ trợ từ hãng Mercedes Benz Việt Nam, Haxaco mới thoát lỗ quý III, và thu về 14 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, khoản lợi nhuận quý này đã giảm hơn một nửa.

Tính chung 9 tháng, doanh thu hợp nhất của Haxaco tăng 11% nhưng lãi gộp giảm 8% do biên lãi gộp sụt giảm tương tự quý III.

Hoạt động kinh doanh chính gồm bán xe và cung cấp phụ tùng khiến công ty lỗ thuần hơn 13 tỷ sau 9 tháng đầu năm (cùng kỳ lãi 21 tỷ đồng).

Tuy nhiên, nhờ doanh số bán xe tăng hơn 10% so với cùng kỳ nên tiền hoa hồng và tiền thưởng được chia từ hãng mẹ Mercedes Benz đã tăng 17%, mang về cho Haxaco hơn 69 tỷ đồng lợi nhuận khác.

Sau cùng, đại lý phân phối xe này báo lãi ròng sau thuế 44 tỷ đồng từ đầu năm, thấp hơn 20 tỷ (31%) so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là mức lợi nhuận 9 tháng thấp nhất từ năm 2016 đến nay mà Haxaco thu về được.

Dai ly Mercedes lai hon 40 ty, muon ban von cho Han Quoc hinh anh 2

Mới đây, ban lãnh đạo Haxaco đã thành lập Ban tư vấn cao cấp để đàm phán với đối tác The Class Hyosung (thuộc tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc) về việc bán vốn.

Theo đó, đối tác The Class Hyosung đã đề nghị mua lại cổ phiếu của Haxaco với tỷ lệ sở hữu trên 51%, đồng nghĩa với việc nắm quyền chi phối hoạt động tại nhà phân phối xe hơi này.

Tuy nhiên, lãnh đạo Haxaco yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài này phải thực hiện chào mua công khai theo quy định của Luật chứng khoán để đảm bảo quyền và lợi ích của cổ đông.

Ngoài ra, đại diện phía doanh nghiệp Việt Nam cũng thông báo giá đàm phán sẽ không thấp hơn 50.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi mức giá The Class Hyosung đưa ra là 45.000 đồng. Mức giá mà Haxaco yêu cầu hiện cũng cao hơn 2,8 lần so với thị giá của cổ phiếu HAX trên thị trường chứng khoán là 18.000 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch 7/11).

Kết quả đàm phán giữa hai bên sẽ được báo cáo lại Hội đồng quản trị và xin ý kiến cổ đông tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 hoặc Đại hội cổ đông bất thường trong trường hợp cần thiết.

Trước đó, Haxaco cũng đã chấp thuận tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% đến 100% mở đường cho đợt bán vốn.

Tại Việt Nam, Haxaco hiện là một trong 3 đơn vị phân phối ủy quyền chính hãng của Mercedes Benz và là đơn vị phân phối lớn nhất. Ước tính từ năm 2016 đến nay, đại lý này đã sở hữu hơn 30% thị phần tiêu thụ xe Mercedes trong số các đại lý của hãng xe tới từ nước Đức ở Việt Nam.

Theo Zing

Minh bạch và hiện đại hóa là chìa khóa chống thất thu thuế

Ngành Thuế đang chuyển mình mạnh mẽ trong công tác chống thất thu ngân sách, đặc biệt nhờ ứng dụng công nghệ số. Giải pháp này không chỉ giúp thu đúng, thu đủ mà còn tạo thuận lợi cho người nộp thuế và xây dựng hệ thống thuế minh bạch, hiệu quả.

Chống thất thu thuế bằng dữ liệu và công nghệ số

Ngành Thuế đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ với loạt giải pháp đột phá như số hóa, quản lý rủi ro và thanh tra chuyên đề. Những nỗ lực này không chỉ giúp thu đúng, thu đủ cho ngân sách mà còn tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống thuế minh bạch, hiện đại trong thời kỳ kinh tế số.

Cuộc chiến cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa đang nằm ở kênh phân phối?

Sự thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng trên thị trường “sân nhà” là điều mà các doanh nghiệp nội địa không thể làm ngơ. Nhất là “cuộc chiến” cạnh tranh đang nằm ở kênh phân phối khi đua nhau gia tăng độ phủ sản phẩm, như “phép thử” để xem doanh nghiệp liệu có thể đứng vững trong giai đoạn còn nhiều khó khăn này.

Video