Chứng khoán rung lắc mạnh, đi tìm cổ phiếu tiềm năng

Các chuyên gia nhận định, dòng tiền đang có xu hướng phân hóa rõ nét, tập trung vào những nhóm ngành chủ lực như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Các cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng tiếp tục là động lực chính. Ảnh: Hải Nguyễn

Ngân hàng, chứng khoán tiếp tục là động lực chính

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua nhịp rung lắc điều chỉnh sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ từ cuối năm 2023 đến nay. VN-Index sau khi vượt mốc 1.300 điểm đã chịu áp lực chốt lời, đặc biệt tại các nhóm cổ phiếu đã tăng nóng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20.3.2025, VN-Index giảm nhẹ 0,7 điểm, xuống còn 1.323,93 điểm.

Giới phân tích nhận định, xu hướng dài hạn vẫn tích cực, với kỳ vọng VN-Index có thể hướng tới vùng kháng cự mạnh 1.340 - 1.360 điểm trong ngắn hạn và thậm chí tiệm cận mốc 1.500 điểm trong năm 2025 nếu các yếu tố hỗ trợ tiếp tục duy trì.

Ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá, nhịp điều chỉnh hiện tại chủ yếu xuất phát từ hoạt động chốt lời sau đợt tăng mạnh. “Thị trường đang có sự phân hóa rõ nét, dòng tiền bắt đầu luân chuyển giữa các nhóm ngành thay vì tập trung vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn như trước. Đây là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng tiếp theo”.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đóng vai trò là lực đỡ chính cho VN-Index. Trong giai đoạn đầu năm, cổ phiếu các ngân hàng top 1 như VCB, BID, CTG đã dẫn dắt thị trường. Hiện dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển sang nhóm ngân hàng top 2, top 3 với những mã như SHB, MSB, VPB nhờ kỳ vọng tăng vốn, cải thiện hoạt động kinh doanh và định giá còn hấp dẫn.

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán cũng được kỳ vọng tích cực nhờ hưởng lợi từ thanh khoản thị trường duy trì cao. Các công ty chứng khoán đầu ngành như SSI, VND, HCM không chỉ thu hút dòng tiền từ hoạt động môi giới, cho vay margin mà còn hưởng lợi khi hệ thống KRX chính thức đi vào vận hành, tạo nền tảng cho việc nâng hạng thị trường.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, việc hoàn thiện hệ thống KRX và khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi đang là yếu tố then chốt hỗ trợ thị trường trong năm nay. Đây cũng là động lực quan trọng để thu hút trở lại dòng vốn ngoại sau giai đoạn bán ròng kéo dài trong hai năm qua.

Dòng tiền dịch chuyển

Về nhóm bất động sản, ông Trần Hoàng Sơn đánh giá, dòng tiền sau giai đoạn tập trung vào cổ phiếu vốn hóa lớn đang có xu hướng dịch chuyển sang những mã bất động sản vừa và nhỏ, có quỹ đất tốt và tình hình tài chính lành mạnh. Chính sách tháo gỡ pháp lý và hỗ trợ tín dụng bất động sản tiếp tục là yếu tố tích cực cho nhóm ngành này.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, bất động sản khu công nghiệp cũng là phân khúc giàu tiềm năng trong bối cảnh dòng vốn FDI dịch chuyển mạnh mẽ, nhất là khi Mỹ gia tăng áp thuế với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Canada, Mexico. Làn sóng dịch chuyển sản xuất tạo thêm dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp sở hữu quỹ đất khu công nghiệp lớn.

Một điểm nhấn khác là nhóm cổ phiếu công nghệ, tiêu biểu là FPT, đang trong nhịp điều chỉnh sau chuỗi tăng nóng kéo dài hai năm qua. Ông Trần Hoàng Sơn đánh giá, định giá nhóm này hiện ở mức khá cao (P/E FPT khoảng 30 lần), cùng với áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài khiến cổ phiếu giảm về vùng hỗ trợ quanh 120.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, với nền tảng tài chính vững chắc và tiềm năng từ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, nhóm công nghệ vẫn là lựa chọn dài hạn phù hợp cho nhà đầu tư khi giá cổ phiếu điều chỉnh về vùng hấp dẫn hơn.

Theo Báo Lao Động

Kỳ vọng gì trên thị trường chứng khoán tháng 5?

Giữa “vùng trũng” thông tin và áp lực vĩ mô, thị trường chứng khoán tháng 5 đặt kỳ vọng vào hệ thống KRX như một bước đệm cho sự minh bạch và ổn định dài hạn.

Video